Việt Nam nằm số các nước tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới. Thống kê năm 2022, Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người. Bình quân một người Việt Nam trên 15 tuổi uống khoảng 170 lít bia/năm. Đáng lo ngại là tỷ lệ sử dụng rượu bia gia tăng ở giới trẻ.
Nhằm hạn chế tình trạng sử dụng rượu bia, nhiều chính sách đã được đưa ra. Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã có hồ sơ thẩm định dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) gửi Bộ Tư Pháp. Bộ đề xuất đánh thuế với tất cả đồ uống có cồn, thực phẩm lên men từ trái cây, ngũ cốc, đồ uống pha chế từ cồn thực phẩm. Nước ngọt cũng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt này.
Liên quan đến tăng thuế với rượu bia, Bộ Tài chính giữ nguyên 2 phương án như trong tờ trình gửi Chính phủ trước đó. Tuy nhiên, Bộ nghiêng về phương án: Rượu từ 20 độ trở lên áp mức thuế 80% vào năm 2026, tăng dần lên 100% vào năm 2030; rượu dưới 20 độ chịu thuế 50%, tăng lên cao nhất 70%. Các loại bia cũng tăng dần mức thuế từ 80% lên 100%.
Với đề xuất lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt này của Bộ Tài chính, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá là đáng kể nhưng chưa đủ để giảm khả năng chi trả cho rượu bia của người dân. WB cho rằng, việc tăng thuế lớn hơn và cải cách cơ cấu thuế theo hướng áp dụng các loại thuế tuyệt đối sẽ đảm bảo tác động đáng kể hơn đến các mục tiêu sức khỏe. Đồng thời, khuyến nghị Bộ Tài chính nên tăng thuế ở mức lớn hơn.
Cụ thể, WB đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia lên 155% hoặc phương án bổ sung mức tuyệt đối 16.500 đồng/lít cồn cộng với thuế suất 65% như hiện nay. Việc này sẽ giúp rượu bia không trở nên phổ biến hơn. WB nêu, thuế tỷ lệ là 90% và 100% sẽ không đủ để ngăn chặn khả năng chi trả rượu ngày càng tăng ở Việt Nam.
Trước đề nghị này, Bộ Tài chính cho rằng, áp dụng thuế tuyệt đối với rượu bia ở thời điểm hiện tại là chưa phù hợp với Việt Nam. Phương án tăng thuế được Bộ đưa ra dựa trên chủ trương bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc thù của ngành rượu bia Việt Nam và cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi dự kiến sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp vào tháng 5/2025.
Sau khi Nghị định 100 được ban hành, tình trạng sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã giảm rõ rệt. Điều này đã giúp kéo giảm tỷ lệ tai nạn liên quan đến bia rượu. Hạn chế rượu bia không chỉ giảm tai nạn giao thông, mà còn nhiều tệ nạn khác trong xã hội.
Thực tế ghi nhận, không ít vụ cãi vã, ẩu đả, đâm chém… có nguyên nhân từ rượu bia. Nhậu say, nhiều người không kiềm chế được lời ăn tiếng nói, không kiểm soát được hành vi dẫn đến hậu quả khôn lường. Nhiều gia đình tan nát vì chồng suốt ngày say xỉn, không làm việc, còn đánh đập vợ con...
Ăn nhậu nhiều cũng ảnh hưởng đến năng suất lao động. Hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam có khoảng cách khá lớn so với một số nước trong khu vực và các nước phát triển. Cụ thể, năng suất lao động của Việt Nam năm 2020 đạt 18,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,3% mức năng suất của Singapore, 24,4% của Nhật Bản, 33,1% của Malaysia, 23% của Hàn Quốc, 59,1% của Thái Lan, 60,3% của Trung Quốc… Năng suất lao động của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn năng suất lao động của Myanmar (1,6 lần), Campuchia (gấp 2,4 lần) và Lào (gấp 1,2 lần).