Việt Nam nằm trong top 15 quốc gia có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Tỷ lệ người hút thuốc lá ở độ tuổi trưởng thành khá cao, chiếm trên 42%. Cả nước hiện có khoảng 15,3 triệu người hút, nhưng tới 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá.
Trước tình trạng này, nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng và giảm lượng tiêu thụ thuốc lá, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá rất cao. Theo đó, trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đang được lấy ý kiến, ngoài thuế theo tỷ lệ như hiện nay, Bộ Tài chính còn đề xuất thuốc lá sẽ chịu thêm thuế tuyệt đối nữa.
Hiện thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá là 75%. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới đánh giá, tỷ lệ thuế thuốc lá trên giá bán chỉ chiếm 38,8% nên giá bán thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp. Th.s.BS Nguyễn Tuấn Lâm - chuyên gia của WHO cho biết, mức thuế suất đối với thuốc lá được cơ quan này khuyến cáo nên chiếm 75% giá bán lẻ. Hiện mức trung bình của thế giới là trên 61%.
Tại khu vực ASEAN, mức thuế suất với thuốc lá của Việt Nam thấp thứ 3, chỉ cao hơn Campuchia (25% - 31,1%) và Lào (18,8%). Các nước như Thái Lan có mức thuế thuốc lá là 78,6% giá bán lẻ, Malaysia là 58,6%, Philippines là 71,3%...
Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, thuế suất thấp dẫn đến giá bán thuốc lá thấp. Từ đó người tiêu dùng, nhất là người nghèo, học sinh sinh viên dễ dàng mua được thuốc lá. Do đó, Bộ Tài chính đã đề xuất 2 phương án trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ sửa đổi.
Phương án 1: Năm 2026, thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn giữ nguyên mức 75% và bổ sung 2.000 đồng/bao. Giai đoạn 2027 - 2030, mỗi năm thuế tăng thêm 2.000 đồng/bao. Tới năm 2030, mức thuế tuyệt đối là 10.000 đồng/bao.
Phương án 2: Năm 2026, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi chính thức có hiệu lực, cùng với việc giữ nguyên tỉ lệ tính thuế 75% trên giá bán như hiện nay, mức thuế tuyệt đối với thuốc lá là 5.000 đồng/bao. Sau đó, thuế mỗi năm sau tăng thêm 1.000 đồng/bao. Đến năm 2030, mức thuế tăng lên 10.000 đồng/bao.
Để giảm lượng tiêu thụ thuốc lá, Bộ Tài chính đang nghiêng về phương án 2.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Chí Nhân - Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đánh giá, cả 2 phương án mà Bộ Tài chính đề xuất quá đột ngột với doanh nghiệp. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến ngành thuốc lá. Do vậy, ông đề xuất mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá vào năm 2026 là 1.000 đồng/bao. Thuế mỗi năm sau tăng 500 đồng/bao. Đến năm 2030, mức thuế tăng là 3.000 đồng/bao.
Trong khi đó, bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Chủ tịch PwC Việt Nam cho hay, thị phần thuốc lá hợp pháp phân khúc giá rẻ đang chiếm 75%. Câu hỏi đặt ra là điều gì xảy ra nếu Việt Nam tăng mạnh thuế với thuốc lá?
Bà Vân lấy dẫn chứng các nước Anh, Đức, Malaysia... sau khi tăng thuế khá cao với thuốc lá thì lượng tiêu thụ thuốc lá hợp pháp giảm mạnh nhưng bất hợp pháp lại gia tăng. Nạn buôn lậu thuốc lá cũng trở nên trầm trọng.
Bà chia sẻ, nguy cơ thuốc lá lậu sẽ gia tăng sau khi tăng mạnh thuế đối với thuốc lá không phải là vấn đề của riêng Việt Nam. Do vậy, Bộ Tài chính cần đánh giá cẩn trọng để có lộ trình tăng thuế phù hợp với mức thị trường dần dần chấp nhận được. Bên cạnh việc tăng thuế, cơ quan chức năng cần áp dụng các biện pháp mạnh chống buôn lậu thuốc lá hiệu quả hơn.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cũng góp ý, Bộ Tài chính cần nghiên cứu một cách thận trọng phương án, lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá. Mức tăng cần đảm bảo hài hòa giữa lợi ích sức khỏe cộng đồng, ổn định sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và ngân sách Nhà nước.