Tăng trưởng tín dụng âm, các ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng trong tháng đầu năm 2024 ở con số âm, hàng loạt ngân hàng tiếp tục thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Trong đó có nhà băng đã thay đổi lãi suất đến phiên thứ 4.

Tín dụng tăng trưởng âm, các ngân hàng muốn gia hạn Thông tư 02

Thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 1/2024 đạt âm 0,6 % so với đầu năm 2023. NHNN cho rằng, nguyên nhân tín dụng giảm là do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, có thể kể đến là cho vay tiêu dùng; cầu đầu tư, sản xuất, kinh doanh giảm. Bên cạnh đó, một số nhóm khách hàng (nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa) dù có nhu cầu nhưng vẫn chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý; quy luật mùa vụ…

Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đưa ra số liệu cho thấy, đến hết tháng 1/2024, dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt gần 1,54 triệu tỷ đồng, giảm 15.000 tỷ đồng, tương đương với giảm 0,97% so với thời điểm đầu năm.

Về nguyên nhân tăng trưởng tín dụng giảm, đại diện Ngân hàng Agribank cho rằng, do đặc thù tín dụng của ngân hàng tập trung phần lớn tại các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, mang tính chất mùa vụ, do đó, nhu cầu tín dụng thường tập trung vào các tháng cuối năm để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và vụ đông xuân. Đến quý I, khách hàng thường trả nợ khi có dòng tiền về, đặc biệt là thời điểm Tết Nguyên đán.

Đặc thù tín dụng tại Ngân hàng Agribank tập trung phần lớn tại các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

 

Nhận định về việc tăng trưởng tín dụng giảm trong tháng đầu năm 2024, Chứng khoán Vietcap (VCSC) cũng cho rằng, do yếu tố mùa vụ (cụ thể là dịp Tết Nguyên đán) nên tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức thấp trong 2 tháng đầu năm và trước đó đã tăng mạnh ở cuối năm 2023.

Từ kết quả trên, VCSC kỳ vọng từ quý II, tăng trưởng tín dụng sẽ tăng mạnh hơn nhờ những tín hiệu tích cực kỳ vọng về sự phục hồi liên tục của nền kinh tế và môi trường lãi suất thấp. Các chuyên gia của VCSC dự báo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 13,7% trong năm 2024.

Trong khi đó, câu chuyện gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ thêm 6 đến 12 tháng nữa để cả khách hàng và ngân hàng có điều kiện hơn trong việc trả nợ vẫn đang được quan tâm. Thông tin gần nhất, nhiều ngân hàng như VietinBank, BIDV, VPBank, MBB đã đồng tình với việc gia hạn thời gian áp dụng Thông tư 02 từ 6 tháng đến 1 năm, thay vì đến 30/6/2024 đến hạn.

Giới chuyên môn đánh giá, Thông tư 02 quy định về việc cơ cấu lại nợ đối với cho vay tài trợ sản xuất kinh doanh và cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng là một trong những quy định quan trọng có tầm ảnh hưởng tới hoạt động của nhiều ngân hàng.

Đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng, Thông tư 02 đã bổ sung cho phép giãn/hoãn nợ. Đây là một lĩnh vực cũng đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh thu nhập người đi vay suy giảm (bản dự thảo chưa bao gồm các khoản vay tiêu dùng). Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định giữ nguyên nhóm nợ theo nhóm nợ gần nhất trước khi cơ cấu và đưa lãi dự thu ra ngoài bảng cân đối kế toán để theo dõi (không được đưa vào lãi dự thu) đến 30/6/2024.

Các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất

Ghi nhận trong ngày hôm nay 21/2, có 4 ngân hàng thực hiện điều chỉnh lãi suất huy động. Cụ thể, sau khi đã có 3 phiên liên tiếp điều chỉnh lãi suất, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa tiếp tục công bố giảm 0,2 điểm phần trăm lãi suất huy động các kỳ hạn tiền gửi từ 1 - 5  tháng. Lãi suất huy động áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 1 - 2 tháng là 2,55%/năm và kỳ hạn 3 - 5 tháng là 2,95%/năm.

Ngân hàng này giữ nguyên lãi suất các kỳ hạn 6 - 36 tháng. Ngoài ra, với lãi suất huy động trực tuyến dành cho tài khoản tiết kiệm mở mới dưới 1 tỷ đồng kỳ hạn 6 - 8 tháng là 3,65%/năm, kỳ hạn 7 - 11 tháng là 3,7%/năm và kỳ hạn 12 - 36 tháng là 4,55%/năm.

Trước đó, ngày 16/2, Techcombank tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1-5 tháng từ 0,4 - 0,5 điểm phần trăm. Sau đó, vào ngày 19/2, ngân hàng này lại giảm 0,2 điểm phần trăm kỳ hạn 12 - 36 tháng. Đến ngày 20/2, Techcombank tiếp tục giảm 0,1 điểm phần trăm kỳ hạn 6 - 11 tháng.

Tiếp đó, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) là nhà băng thứ 18 tham gia vào đợt giảm lãi suất huy động kể từ đầu tháng 2/2024. Cụ thể, đối với kênh trực tuyến, lãi suất của nhà băng tại kỳ hạn 1 tháng còn 2,4%/năm, 2 tháng còn 2,6%/năm, 3 tháng là 2,7%/năm, 4 tháng 3%/năm và 5 tháng là 3,1%/năm.

Lãi suất huy động kỳ hạn 6 - 8 tháng điều chỉnh xuống 3,7%/năm và kỳ hạn 9 - 10 tháng còn 3,9%/năm, 11 tháng là 4%/năm. Kỳ hạn tiền gửi từ 12 - 15 tháng hiện ở mức 4,7%/năm và 18 tháng là 4,9%/năm.

Hàng loạt ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất

Nhà băng thứ 3 là Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) vừa giảm lãi suất. Đây là lần thứ hai kể từ đầu tháng ngân hàng này hạ lãi suất. Cụ thể, SeABank giảm 0,3 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 1-5 tháng, kỳ hạn 6-11 tháng và 13-36 tháng giảm 0,2 điểm phần trăm. Đáng chú ý, ngân hàng này giảm tới 0,5 điểm phần trăm kỳ hạn 12 tháng.

Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến, kỳ hạn 1 - 2 tháng là 2,9%/năm, 3 - 5 tháng 3,1%/năm, 6 tháng 3,7%/năm, 7 tháng 3,8%/năm, 9 tháng 3,9%/năm, 10 tháng 3,95%/năm, 11 tháng 4%/năm, 12 tháng 4,25%/năm, 15 - 36 tháng 4,8%/năm.

Tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất lần thứ hai trong tháng 2, Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank). Theo đó, Bac A Bank giảm 0,2 điểm phần trăm kỳ hạn 1 - 5 tháng và 18 - 36 tháng; 0,3 điểm phần trăm kỳ hạn 6 - 12 tháng.

Với tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, ngân hàng cũng điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng chỉ còn 2,8%/năm, 3 tháng là 3%/năm, kỳ hạn 4 là 3,2%/năm và 5 tháng là 3,4%/năm. Lãi suất ngân hàng kỳ hạn từ 6 - 8 tháng hiện còn 4,2%/năm, 9 - 11 tháng là 4,3%/năm. Giảm xuống còn 4,6%/năm, 15 tháng là 4,9%/năm với lãi suất kỳ hạn 12 tháng.

Với tiền gửi tiết kiệm dưới 1 tỷ đồng, lãi suất ngân hàng cao nhất đối với tiền gửi tiết kiệm dưới 1 tỷ đồng áp dụng cho kỳ hạn 18 - 36 tháng là 5,1%/năm. Đối với tiền gửi tiết kiệm từ 1 tỷ đồng trở lên, lãi suất sẽ được cộng thêm 0,2 điểm phần trăm tại mọi kỳ hạn.