Pavel Durov, CEO của Telegram, bị bắt tại một sân bay gần Paris vào thứ Bảy vừa rồi. Đây được xem là một phần của cuộc điều tra sơ bộ về cách tiếp cận lỏng lẻo của ứng dụng đối với việc kiểm duyệt và không ngăn chặn các hoạt động tội phạm trên nền tảng Telegra,. Telegram cũng được cho là bị cáo buộc không hợp tác với cảnh sát.
Đây là vụ việc đầu tiên về việc một CEO nền tảng mạng xã hội bị bắt giữ và phải chịu trách nhiệm về việc không kiểm duyệt được hết các nội dung xấu độc trên nền tảng của mình.
Ngay sau khi CEO bị bắt, Telegram đã đăng một tuyên bố trên kênh tin tức chính thức của mình và trên X. Nền tảng này cho biết, CEO Durov "không có gì phải che giấu" và "thật vô lý khi tuyên bố rằng, một nền tảng hoặc chủ sở hữu của nó phải chịu trách nhiệm về việc lạm dụng nền tảng đó".
“Telegram tuân thủ luật pháp EU, bao gồm Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số — việc kiểm duyệt của họ nằm trong tiêu chuẩn của ngành và liên tục được cải thiện”, công ty cho biết.
Durov đã bị bắt giữ sau khi đến sân bay Le Bourget trên một chiếc máy bay phản lực riêng, Reuters đưa tin. Những lo ngại của cuộc điều tra hiện tại bao gồm việc ứng dụng này không trấn áp được nạn buôn bán ma túy, đồng lõa trong các tội liên quan lạm dụng tình dục trẻ em và các hoạt động gian lận khác.
Telegram là một trong những nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất trên thế giới và được sử dụng rộng rãi ở một số khu vực của Châu Âu và Châu Á. Hồi đầu năm, CEO Durov cho biết ứng dụng này đã đạt gần một tỷ người dùng hoạt động hàng tháng. Ứng dụng này sử dụng mã hóa đầu cuối và hỗ trợ các nhóm có hàng chục nghìn thành viên, cho phép chia sẻ thông tin hàng loạt và nội dung không bị kiểm duyệt.
Tờ NPR đưa tin, một tuyên bố từ văn phòng công tố Paris sẽ được công bố vào thứ Hai. "Gần một tỷ người dùng trên toàn cầu sử dụng Telegram làm phương tiện liên lạc và là nguồn thông tin quan trọng. Chúng tôi đang chờ đợi một giải pháp nhanh chóng cho tình hình này", Telegram cho biết trong tuyên bố của riêng mình.
Vụ việc bắt giữ CEO Telegram hiện vẫn đang là chủ đề “nóng” trên toàn cầu, không chỉ với giới công nghệ. CEO Telsla , tỷ phú Elon Musk cũng lên tiếng một cách úp mở: “Thời đại nguy hiểm”, đăng kèm với hashtag “Trả tự do cho Pavel”. Ông cũng chia sẻ lại bình luận của CEO Rumble cho rằng, Pháp đã “vượt lằn ranh đỏ” khi bắt giữ nhà sáng lập nền tảng mạng xã hội này.
Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga là Vladislav Davankov cũng kêu gọi Pháp thả Durov, đồng thời cảnh báo vụ bát giữ này có thể mang động cơ chính trị và được sử dụng để tiếp cận thông tin cá nhân của người dùng Telegram”. Được biết, Đại sứ quán Nga cũng đang liên lạc với luật sư của Durov về vấn đề này.
Nga bắt đầu chặn Telegram vào năm 2018 sau khi ứng dụng này từ chối tuân thủ lệnh của tòa án cho phép các cơ quan an ninh nhà nước truy cập vào tin nhắn được mã hóa của người dùng. Hành động này đã làm gián đoạn nhiều dịch vụ của bên thứ ba nhưng không ảnh hưởng nhiều đến tính khả dụng của Telegram tại nước này. Tuy nhiên, lệnh cấm đã gây ra các phản ứng dữ dội và sự chỉ trích từ các tổ chức phi chính phủ. Telegram cho biết họ "cam kết bảo vệ quyền riêng tư và quyền con người của người dùng như quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp".
Durov trước đây đã cáo buộc các cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ như FBI tìm cách xâm nhập vào nền tảng này. FBI chưa bình luận về những cáo buộc đó.