Tung nhiều ưu đãi vẫn không có thanh khoản
Trong tháng 8/2024, có 2.180 căn biệt thự nghỉ dưỡng được mở bán, tăng nhẹ so với tháng trước đó nhưng giảm 5% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, chỉ có 25 căn được tiêu thụ, tương đương 1% nguồn cung, giảm 22% so với tháng 7/2024,
Thanh khoản vẫn giảm mạnh dù có nhiều chính sách hỗ trợ như cam kết thuê, mua lại, hỗ trợ lãi suất,… Về giá bán, ở thị trường sơ cấp giá bán giữ nguyên, trong khi giá thứ cấp duy trì mức cắt lỗ từ 10-20%.
Với loại hình nhà phố và shophouse biển, trong tháng 8 cũng ghi nhận khoảng 2.907 căn được mở bán và toàn bộ là hàng tồn kho từ các dự án cũ. Đáng nói, không có giao dịch thành công nào được ghi nhận. Giá bán thị trường sơ cấp vẫn giữ nguyên, còn giá thứ cấp tiếp tục giảm mạnh từ 30-40%.
Loại hình condotel cũng không khả quan hơn khi chỉ có 192 căn được bán trên tổng số 4.826 căn mở bán trong tháng qua, tỷ lệ tiêu thụ đạt 4%, giảm 53% so với tháng trước.
Nhận định về tình trạng khó khăn của bất động sản nghỉ dưỡng nhiều chuyên gia cho rằng phân khúc này đang rơi vào thoái trào vì giai đoạn trước đã phát một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát. Cùng với đó là những ảnh hưởng từ dịch bệnh, thiên tai...
Từ đầu tháng 9/2024 những diễn biến phức tạp của thời tiết, bão lũ xảy ra đã gây ảnh hưởng nặng nề cho các tỉnh Bắc bộ và Trung du – miền núi phía Bắc khiến bất động sản nghỉ dưỡng thêm khó khăn chồng chất. Theo đó, ảnh hưởng của mưa bão đã khiến cho trên 80% đơn hàng đi tour và đặt phòng bị hủy hoặc dời lịch.
Đáng quan ngại hơn khi người dân, doanh nghiệp đang phải “gồng mình” khắc phục hậu quả của bão số 3 thì nước ta lại phải chuẩn bị ứng phó với bão số 4, số 5. Như vậy, sẽ càng thêm khó khăn cho hoạt động kinh doanh của ngành du lịch và tác động tiêu cực đến tiến trình phục hồi của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.
Tiếp tục nghiên cứu đồng bộ hành lang pháp lý
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Khánh Hoà nhận định rằng, bất động sản nghỉ dưỡng ảm đạm do thiếu dòng tiền đầu tư mới.
Sau những biến động của đại dịch, các chủ đầu tư vẫn thận trọng với phân khúc này. Hơn nữa, phân khúc này yêu cầu vốn đầu tư lớn và tời gian thu hồi dài khiến việc chuyển nhượng trở nên khó khăn.
Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản cho rằng bản chất của vấn đề là có liên quan đến tính pháp lý. Những quy định pháp luật cho bất động sản nghỉ dưỡng đi sau sự phát triển thực tế nên Nhà nước thiếu đi một công cụ quản lý, vận hành. Trong đó, nổi cộm lên là vấn đề sở hữu.
Theo TS Nguyễn Văn Đính, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, bổ sung chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/8 là điều kiện cần thiết cho tiến trình phục hồi của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, sẽ giúp phân khúc này nhanh chóng bắt kịp đà phục hồi của toàn thị trường. Tuy nhiên, để phân khúc này trở lại đà tăng trưởng như trước đây thì vẫn cần thêm thời gian.
Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực cho rằng phía cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp lý còn vướng mắc. Từ đó tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất trong quá trình triển khai thực tế.
Ông Lực cũng chỉ ra một số vướng mắc về pháp lý cho bất động sản nghỉ dưỡng như làm sao để sang tên, chuyển nhượng, thế chấp ngân hàng... đối với dòng sản phẩm này. Trong khi hiện nay những hướng dẫn của các cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường) lại chưa chi tiết, đầy đủ.
Vì vậy, cần phải tiếp tục ban hành những Nghị định, Thông tư mới để tháo gỡ vướng mắc về vấn đề pháp lý, nếu làm được sẽ khơi thông một nguồn lực lớn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội.