Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính đã đạt được những kết quả tích cực, khi nhiều chỉ số của Việt Nam được thăng hạng góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tuy nhiên, qua kết quả thực hiện, nhiều quy định, thủ tục hành chính vẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn, phức tạp, phải qua nhiều tầng nấc. Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính chủ yếu vẫn theo phương thức hồ sơ giấy truyền thống, theo địa giới hành chính.
Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đất đai, nhà ở xã hội, tín dụng, tài nguyên khoáng sản… và các giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Trước đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho biết, qua khảo sát các doanh nghiệp trực thuộc, hầu hết các doanh nghiệp đều phản ánh về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đang quá nhiều, chậm được sửa đổi, làm mất thời gian, cơ hội của người dân và doanh nghiệp. Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính còn chồng chéo, rườm rà, chậm được sửa đổi.
Cụ thể, tại báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2023 nêu rõ, tỷ lệ doanh nghiệp phải chờ giải quyết thủ tục hành chính đất đai lâu hơn quy định là 64%; 46% doanh nghiệp gặp cán bộ tiếp nhận hồ sơ không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ; gặp quy trình thủ tục giải quyết không đúng với nội dung được niêm yết, văn bản quy định 46%. Đặc biệt, có 73% doanh nghiệp cho biết họ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh năm 2023 do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính đất đai, cao hơn 30,1% so với năm 2022.
Dẫn chia sẻ mới đây của ông Nguyễn Hữu Đường – Chủ tịch HĐQT Hòa Bình Group cho biết, doanh nghiệp đang có 2 khu đất sạch ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), đã có quy hoạch chi tiết của UBND thành phố từ năm 2015 về mật độ, chiều cao, dân số…Tuy nhiên, khi tiến hành các thủ tục làm nhà ở xã hội, công ty đã phải mất hơn 500 ngày mới được cấp chủ trương đầu tư dự án cho 1 khu đất.
Hay như trường hợp nhiều doanh nghiệp trên thị trường bất động sản phải “kêu trời” vì “mắc kẹt” ở khâu đóng tiền sử dụng đất. Dù dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp phép xây dựng, thậm chí đã bàn giao nhưng để thực hiện những khâu tiếp theo doanh nghiệp phải chờ thông báo đóng tiền sử dụng đất, nhiều nơi còn “vỡ trận” kế hoạch kinh doanh.
Chẳng hạn, sau khi nhận chuyển nhượng, một dự án Khu dân cư tại quận 7, TP.HCM đã hoàn tất các thủ tục theo quy định như phê duyệt quy hoạch 1/500, công nhận chủ đầu tư, thẩm định thiết kế cơ sở… từ năm 2015, nhưng đến nay, chủ đầu tư này vẫn chưa thể triển khai tiếp dự án do chưa được nộp tiền sử dụng đất.
Không chỉ các doanh nghiệp trong nước, khối doanh nghiệp FDI cũng bày tỏ sự quan ngại với các thủ tục hành chính tại Việt Nam. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) mới nhất, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho biết, trong phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn, như các dự án xây dựng nhà máy điện, phát triển đô thị, có những trường hợp phải mất hơn 10 năm mới hoàn thành thủ tục. Nguyên nhân là do chậm trễ trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cấp các giấy phép liên quan, dẫn đến chậm trễ trong dự án cơ sở hạ tầng.
Tương tự, ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cũng cho biết, quy trình phê duyệt tại Việt Nam còn chậm, thủ tục hành chính mất nhiều thời gian, gây cản trở, chậm tiến độ dự án, đồng thời tác động đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam.