Tháp nghìn tỷ của Vicem rục rịch tái khởi động, dự kiến cuối 2025 sẽ hoàn thiện

Được Chính phủ chấp thuận cho triển khai trở lại sau nhiều năm "bất động", tòa tháp Trung tâm Điều hành và Giao dịch đang được Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) thúc đẩy các thủ tục cấp phép, điều chỉnh để tiếp tục thi công.

Thông tin này mới đây được ông Hà Quang Hiện – Chánh VP Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) chia sẻ với báo chí. Sau nhiều năm dừng thi công, dự án tòa tháp Trung tâm Điều hành và Giao dịch của công ty đã được Chính phủ chấp thuận cho triển khai trở lại.

Hiện nay dự án đang được Tổng công ty thúc đẩy các thủ tục cấp phép, điều chỉnh lại để tiếp tục thi công. Theo dự kiến, dự án sẽ đưa vào khai thác sử dụng vào cuối năm 2025 hoặc đầu 2026.

Ông Hà Quang Hiện cho hay, dự án được điều chỉnh theo hướng giảm quy mô đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Vicem hiện đang khẩn trương triển khai các thủ tục để sớm hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng nhằm giảm tải cho các trụ sở khác của Tổng công ty.

thap-vicem-1720775186.png
Toà tháp trung tâm điều hành và giao dịch Vicem nằm "bất động" nhiều năm qua (Ảnh: Tuyết Sơn)

Theo tìm hiểu, năm 2010, dự án Trung tâm điều hành và Giao dịch Vicem chính thức được đầu tư với tổng vốn hơn 2.743 tỷ đồng. Dự án do Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem, doanh nghiệp do Bộ Xây dựng làm đại diện 100% vốn nhà nước) làm chủ đầu tư. Dự án quy mô 31 tầng nổi và 4 tầng hầm được triển khai trên khu “đất vàng” ngay cạnh Vành đai 3, gần tòa nhà Keangnam thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy (Hà Nội).

Mục tiêu của dự án là hình thành trụ sở làm việc của Vicem, các đơn vị thành viên, hội trường và dịch vụ thương mại.

Tháng 5/2011, dự án được chính thức khởi công. Tới tháng 8/2015 khi đã hoàn thiện phần thô công trình thì dự án dừng thi công. Sau đó, Vicem đã đề nghị Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ cho phép Tổng công ty lập phương án, tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng dự án nhằm hoàn vốn đầu tư. Bộ Xây dựng đã có văn bảo báo cáo, tháng 3/2017 Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho Vicem chuyển nhượng dự án này.

tp-thap-nghin-ty-vicem1-1720774630.png
Dự án đang được điều chỉnh theo hướng giảm quy mô vốn đầu tư (Ảnh: Tuyết Sơn)

Theo báo cáo của Vicem, việc chuyển nhượng dự án gặp nhiều vướng mắc, khó khăn về pháp luật đầu tư, đất đai, việc sắp xếp, xử lý tài sản nhà đất thuộc doanh nghiệp nhà nước. Trong giai đoạn thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn nhất là phân khúc TTTM và văn phòng cho thuê ảm đạm đã khiến cho việc chuyển nhượng dự án không thành công.

Trước thực tế không thể chuyển nhượng, Vicem đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng chấp thuận cho Tổng công ty được tiếp tục đầu tư, hoàn thiện dự án.

Trong báo cáo gửi Bộ Xây dựng, Vicem dự kiến sẽ thay đổi thiết kế mặt dựng phần khối tháp từ tầng 6 đến tầng 31, cụ thể bọ hệ lam đá bao che và hệ thống sàn thao tác phục vụ công tác bảo trì, bảo dưỡng phía ngoài phần vách kính. Sau điều chỉnh, tổng diện tích sàn xây dựng giảm khoảng 4.887m2, còn lại 50.613m2. Dự kiến diện tích sàn xây dựng để cho thuê sử dụng dịch vụ, văn phòng, kinh doanh thương mại là 23.962m2, chiếm khoảng 47% tổng diện tích sàn. Phần diện tích sàn còn lại Vicem dùng làm trụ sở Tổng công ty và các đơn vị thành viên.

Nhằm giảm chi phí đầu tư đối với dự án, Vicem đã rà soát quy mô và điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án còn khoảng 2.354 tỷ đồng. Trong đó, 1.203 tỷ đồng là phần giá trị thanh toán khối lượng công việc đã thực hiện. Như vậy để tiếp tục đầu tư thực hiện dự án, dự kiến cần hơn 1.150 tỷ đồng. Để hoàn thiện tòa tháp, Vicem sẽ sử dụng nguồn vốn tự có.

tp-thap-nghin-ty-vicem-1720775366.png
Dự án đang được dự kiến sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng cuối năm 2025, đầu năm 2026 (Ảnh: Tuyết Sơn)

Theo quan sát của Đô Thị Mới, sau nhiều năm bị bỏ hoang, cổng chào phía mặt đường Phạm Hùng của dự án đã hoen gỉ, xuống cấp nghiêm trọng trong khi pano, biển quảng cáo của dự án rách tơi tả. Bên trong dự án cây cỏ mọc um tùm, nhếch nhác.

Về tình hình sản xuất kinh doanh,sau 120 năm hoạt động, Vicem đang đứng trước khó khăn nhất nhất từ trước tới nay khi sản lượng tiêu thụ, xuất khẩu xi măng và clinker suy giảm, chi phí đầu vào tăng cao, nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng hoặc dừng lò…

Nguyên nhân là do lĩnh vực bất động sản đóng băng, các dự án bất động sản đầu tư ít, Trung Quốc không nhập khẩu xi măng của Việt Nam. Trong khi đó, giá điện, than, vật tư, nguyên liệu đầu vào để sản xuất xi măng tăng đáng kể khiến cho Vicem như đứng ngồi không yên.