Thầy cô hối hả làm thủ tục đăng ký kinh doanh dạy thêm

Thầy Hào chia sẻ, sau khi cân nhắc quyền lợi của học sinh, thầy quyết định đăng ký kinh doanh để giữ chi phí hiện tại cho học sinh. Nếu đăng ký làm giáo viên cho các trung tâm, chi phí học sinh sẽ tăng lên do phải trả thêm tiền mặt bằng và các khoản phí khác. Đến nay, thầy đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

Xếp hàng làm thủ tục đăng ký kinh doanh

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 14.2, yêu cầu các tổ chức, cá nhân dạy thêm phải đăng ký kinh doanh, khiến nhiều giáo viên phải xếp hàng dài tại các bộ phận một cửa trong những ngày qua để hoàn thành thủ tục này.

Ghi nhận sáng ngày 17/2, tại bộ phận một cửa của UBND các quận ở Hà Nội, hàng loạt giáo viên đã đến đăng ký hộ kinh doanh dạy thêm sau khi Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT chính thức có hiệu lực.

day-them-3-1739840604.jpg
Rất đông giáo viên đến bộ phận một cửa để đăng ký hộ kinh doanh dạy thêm (Ảnh: Phương Anh/Lao Động)

Chị D. - giáo viên dạy tiếng Anh tại quận Nam Từ Liêm cho biết, chị đến từ 9h sáng, nhận số 29 tại quầy số 6 và được cấp giấy đề nghị đăng ký. Tuy nhiên, cán bộ tại đây thông báo chỉ tiếp nhận hồ sơ đến số thứ tự 20 trong buổi sáng. Do chị có ca dạy vào buổi chiều, đành phải về và hẹn quay lại ngày khác.

Theo một chuyên viên tại UBND quận Nam Từ Liêm, sau khi Thông tư 29 có hiệu lực từ ngày 14/2, lượng người dân đến đăng ký rất đông, đặc biệt là vào khung giờ từ 10 - 11 giờ sáng. Điều này khiến bộ phận một cửa không thể tiếp nhận hết hồ sơ trong ngày. Chuyên viên này khuyến cáo, người dân nên đến sớm để tránh phải chờ đợi lâu.

Chị C. - một giáo viên khác tại quận Nam Từ Liêm cũng đến đây để đăng ký kinh doanh dạy thêm. Chị C. chia sẻ, giáo viên trường công lập gặp khó khăn hơn khi đăng ký. Bởi theo quy định, họ không được phép quản lý hoạt động dạy thêm bên ngoài. Nếu muốn đăng ký kinh doanh, giáo viên trường công phải nhờ người khác đứng tên hộ.

Thầy Hào - giáo viên toán bậc THCS tại TP. HCM, sau khi tìm hiểu, nhận thấy nếu không đăng ký kinh doanh, cách duy nhất là nhờ các trung tâm dạy thêm để dạy học và đưa học sinh về các trung tâm.

Với khoảng 80 học sinh đang học thêm, việc tìm trung tâm để gửi gắm và sắp xếp phòng học rất khó khăn, thầy quyết định đăng ký kinh doanh theo quy định của Thông tư 29. Tuy nhiên, vì là viên chức nhà nước, thầy không thể đứng tên trong giấy đăng ký kinh doanh, nên đã nhờ vợ đứng tên thay.

Thầy Hào chia sẻ, sau khi cân nhắc quyền lợi của học sinh, thầy quyết định đăng ký kinh doanh để giữ chi phí hiện tại cho học sinh. Nếu đăng ký làm giáo viên cho các trung tâm, chi phí học sinh sẽ tăng lên do phải trả thêm tiền mặt bằng và các khoản phí khác. Đến nay, thầy đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

Tương tự, thầy Minh - giáo viên ngữ văn trường công lập tại TP. HCM đã nhờ dịch vụ làm thủ tục hợp pháp hóa việc dạy thêm, học thêm. Ban đầu, dịch vụ thông báo sẽ đăng ký kinh doanh cho người thân của thầy theo hình thức "hộ kinh doanh". Tuy nhiên, dịch vụ sau đó báo rằng quận không cho phép đăng ký kinh doanh dạy thêm theo hình thức này vì không có mã ngành. Do đó, thầy Minh được yêu cầu thành lập công ty để thực hiện thủ tục đăng ký.

Không riêng tại đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM, tại các địa phương nhỏ cũng ghi nhận tình trạng giáo viên đăng ký kinh doanh tăng đột biến. Như tại Đắk Lắk, Phòng Tài chính - Kế hoạch TP. Buôn Ma Thuột mới đây xác nhận sự gia tăng đáng kể số lượng hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục.

Ông Lê Đình Dương - Phó trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, đơn vị đã cấp hơn 300 giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục và đang xử lý gần 100 hồ sơ khác.

day-them-2-1739840542.jpg
Giáo viên công lập có thể lựa chọn 2 hình thức nếu muốn đăng ký kinh doanh

Có thể chọn 2 hình thức đăng ký

Chia sẻ về quy định pháp lý liên quan đến vấn đề này, thạc sĩ luật Nguyễn Thị Thái Thuận - giảng viên khoa Kinh tế - Luật Trường Đại học Tài chính - Marketing cho biết, Thông tư 29 không có nhiều thay đổi về bản chất, mà chỉ khác biệt ở chỗ yêu cầu giáo viên phải đăng ký kinh doanh hoặc hợp tác với các trung tâm để hợp pháp hóa hoạt động dạy thêm.

Theo đó, giáo viên công lập có thể lựa chọn 2 hình thức nếu muốn đăng ký kinh doanh. Nếu chọn đăng ký hộ kinh doanh, giáo viên sẽ phải xin giấy phép từ UBND quận, huyện nơi đặt cơ sở. Còn nếu chọn thành lập công ty hoặc doanh nghiệp, giáo viên sẽ đăng ký và xin giấy phép từ Sở Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, giáo viên công lập không thể đứng tên trong các thủ tục đăng ký kinh doanh dạy thêm do vướng phải quy định pháp lý.

Luật sư Thuận giải thích, theo Luật Doanh nghiệp 2020, công chức, viên chức không được phép thành lập và quản lý doanh nghiệp, nhưng được đăng ký hộ kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, Thông tư 29 lại quy định rõ ràng “giáo viên trường công lập không được tham gia quản lý và điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường”. Do đó, giáo viên công lập không thể đứng tên tư cách pháp nhân, dù là đăng ký doanh nghiệp hay xin giấy phép hộ kinh doanh.

Vì vậy, các giáo viên công lập đang dạy thêm, để thực hiện đúng theo Thông tư 29, cách hợp lý nhất là gia nhập các trung tâm dạy thêm đã được cấp phép và thực hiện việc dạy thêm tại các cơ sở này.

Trong khi đó, luật sư Lưu Thị Quỳnh Trang - Giám đốc Công ty Luật Lưu Trang cho biết, căn cứ theo Thông tư 29, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường và thu phí từ học sinh phải thực hiện các yêu cầu sau:

Thứ nhất, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Thứ hai, công khai thông tin về các môn học dạy thêm, thời gian và địa điểm tổ chức dạy thêm, hình thức, thời gian dạy, danh sách giáo viên và mức thu phí học thêm trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại trụ sở cơ sở dạy thêm trước khi tuyển sinh. Thông tin này phải được trình bày theo mẫu số 02 trong phụ lục của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT.

Ngoài ra, người dạy thêm phải đảm bảo phẩm chất đạo đức tốt và có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học mình giảng dạy. Đặc biệt, đối với giáo viên đang giảng dạy tại các trường học, nếu tham gia dạy thêm ngoài trường, phải báo cáo với hiệu trưởng về môn học, địa điểm và hình thức dạy thêm.