Lượng lớn tài khoản tăng đột biến
Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), trong tháng 7, số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm gần 330.000 tài khoản, gấp 3 lần tháng trước và là mức cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm áp đảo với 329.836 tài khoản, nhà đầu tư tổ chức 146 tài khoản.
Lũy kế từ đầu năm, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng gần 1,1 triệu tài khoản. Tính đến cuối tháng 7/2024, tổng lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đạt hơn 8,33 triệu tài khoản, nhà đầu tư cá nhân chiếm 97,3%.
Diễn biến tăng mạnh của số tài khoản chứng khoán đi ngược lại với tình hình thị trường khi trong tháng 7, chỉ số VN-Index giảm 1,5% về mức 1.226 điểm. Thanh khoản bình quân sàn HoSE chỉ đạt gần 17.000 tỉ đồng/phiên, giảm hơn 22% so với bình quân 6 tháng đầu năm.
Tháng 7 cũng là tháng có giao dịch thấp nhất từ đầu năm, chỉ sau tháng 1. Tính chung 7 tháng đầu năm, thanh khoản bình quân sàn HoSE thu hẹp chỉ còn 21.000 tỉ đồng/phiên. Lực đỡ thị trường chủ yếu đến từ dòng tiền nội, trong khi khối ngoại miệt mài bán ròng, tổng cộng hơn 60.000 tỉ đồng (tương đương 2,4 tỉ USD) trên HoSE.
Lý giải sự đột biến của lượng tài khoản chứng khoán, một số nhà phân tích cho rằng, một trong những nguyên nhân có thể đến từ sự kỳ vọng về sự phục hồi hoặc tăng trưởng dài hạn của thị trường; sự phát triển của công nghệ, các nền tảng giao dịch trực tuyến giúp việc mở tài khoản trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn; dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng được rút ra và chuyển hướng đầu tư.
Khảo sát thực tế cho thấy, trong thời gian qua, các công ty chứng khoán liên tục có các hoạt động để gia tăng tài khoản mở mới, điển hình là các chương trình mở tài khoản cho sinh viên các trường đại học. Do vậy, số lượng tài khoản trong thời gian qua cũng có thể đến phần nhiều từ các chương trình này.
Trước đó, nói về các kênh đầu tư nửa cuối năm 2024, ông Ngô Thành Huấn – Giám đốc khối tài chính cá nhân Công ty CP FIDT nhận định, trong khi tiền gửi duy trì mặt bằng lãi suất thấp, vàng có nhiều rủi ro thì kênh chứng khoán đang được đánh giá cao trong giai đoạn tới.
Bởi lẽ, đây là kênh đầu tư đi trước diễn biến của nền kinh tế và về mặt bản chất, nó còn được gọi là thị trường của sự kỳ vọng. Cùng với đó, các luật mới liên quan đến thị trường bất động sản có hiệu lực, thị trường tài chính tiền tệ, kinh tế vĩ mô ổn định…cũng là các yếu tố tạo hiệu ứng tích cực đến thị trường chứng khoán.
Lo ngại về chất lượng nhà đầu tư
Trong cuộc đối thoại liên quan đến thị trường chứng khoán mới đây, bà Vũ Thị Chân Phương – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, tại các thị trường phát triển, tỷ lệ nhà đầu từ tổ chức thường chiếm ở mức 50-60% nhưng tại Việt Nam, nhà đầu tư cá nhân chiếm tới hơn 90% và chỉ số ít trong này là nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Số nhà đầu tư còn lại đến từ nhiều thành phần khác nhau, có thể là người đã về hưu, thanh thiếu niên, công nhân, viên chức, thậm chí là người bán hàng rong…Những nhà đầu tư này gần như không có kiến thức về thị trường, chủ yếu đầu tư theo tâm lý, “thấy người ta chơi mình cũng chơi”.
Đồng quan điểm, ông Lê Xuân Huy – chuyên gia đầu tư tài chính cá nhân cho biết, nhìn vào diễn biến giao dịch của thị trường chứng khoán trong vài năm gần đây cho thấy, các nhà đầu tư không chuyên, thường để tâm lý lấn át quyết định mua bán cổ phiếu. Theo đó, khi thị trường tăng mạnh sẽ có tâm lý FOMO (sợ lỡ cơ hội) dẫn đến mua cổ phiếu bằng mọi giá, bất chấp mọi chỉ báo rủi ro.
Đến khi thị trường giảm, tâm lý của các nhà đầu tư cũng sẽ đi xuống theo từng đợt, mẫu số chung cho các phản ứng là sợ hãi, hoảng loạn và bán cổ phiếu cũng bằng mọi giá, kết quả là “mất tiền” đáng kể.
Đáng chú ý, với số lượng tài khoản mở mới trong tháng 7 vừa qua, không rõ có bao nhiêu tài khoản là của các nhà đầu tư đã tham gia thị trường muốn mở thêm tài khoản, bao nhiêu tài khoản là đến từ các nhà đầu tư mới (F0) nhưng như đã nói ở trên, có thể một lượng lớn tài khoản mới đến từ các chương trình mở tài khoản cho sinh viên đại học. Theo giới phân tích nhận định, sự tham gia của thành phần nhà đầu tư mới này mang lại cho thị trường sự đa dạng hóa cho thị trường, nhưng cũng đặt ra nhiều rủi ro.
Theo anh Đình Tuấn - chuyên viên phân tích tại Chứng khoán VPS, đây là nhóm nhà đầu tư “non trẻ” cả về kiến thức và kinh nghiệm đầu tư, thường đến với thị trường chứng khoán với kỳ vọng kiếm lời nhanh chóng nên dễ bị cuốn vào tâm lý đám đông, tham gia vào các đợt tăng giá ảo, hoặc “cổ phiếu nóng”, dẫn đến thua lỗ nặng.
Bài học kinh nghiệm từ giai đoạn 2020-2021, thị trường thăng hoa "người người, nhà nhà" tham gia "chơi" chứng khoán, "mua con nào cũng lãi". Nhưng chỉ trong thời gian tháng 4-6/2022, hầu hết những nhà đầu tư này đều đã mất hết mức lợi nhuận trước đó có được, thậm chí "âm" gần hết vốn. Do đó, cần phải nhắc lại thị trường chứng khoán không phải cuộc chơi may mắn mà là đầu tư có kế hoạch, chiến lược chắc chắn và cẩn trọng.