Thẻ tín dụng mở dễ, đóng khó: Ngân hàng và người dùng đều quá “dễ dãi”

Nhiều người sử dụng thẻ tín dụng cho biết, khi mở nhân viên ngân hàng hỗ trợ rất nhiệt tình nhưng khi muốn đóng thẻ lại gặp khá nhiều khó khăn.

Trong những năm gần đây, tình trạng mở thẻ tín dụng diễn ra khá ồ ạt, nhiều người sở hữu từ 2 – 3 thẻ tín dụng vì muốn giúp bạn bè làm ngân hàng chạy đủ chỉ tiêu, thậm chí “cả nể” khi được nhân viên ngân hàng “nhờ” vì nghĩ “có mất gì đâu”.

Phải trả những khoản phí “trên trời rơi xuống”

Tuy nhiên, thực tế không như nhiều người vẫn nghĩ. Theo chị Thu Hoài (Đống Đa, Hà Nội), cách đây 3 năm, nhân viên một ngân hàng đã gọi điện thoại mời chào mở thẻ tín dụng. Thấy được nhiều ưu đãi như miễn phí thường niên năm đầu, hoàn tiền khi chi tiêu, được nhiều khuyến mại khi mua sắm trực tuyến trên sàn thương mại điện tử, chị đã đồng ý mở thẻ.

Tuy nhiên, sau khi nhận được thẻ, chị không sử dụng đến và đinh ninh thẻ đã được khóa. Tuy nhiên, cách đây 1 tháng, chị nhận được cuộc gọi của bộ phận thu hồi nợ của ngân hàng, yêu cầu thanh toán gần 3 triệu đồng tiền phí thường niên. Lúc này, chị Hoài mới biết thẻ của mình vẫn hoạt động suốt 3 năm qua.

Chị Hoài cho biết, phí thẻ thường niên thường được thu theo từng năm, nhưng trong suốt 3 năm không nhận được bất kỳ tin nhắn nào thông báo về phí thẻ nên chị nghĩ thẻ đã bị khóa.

the-tin-dung-1724751620.jpeg
Nhiều người không có nhu cầu sử dụng thẻ tín dụng nhưng vẫn mở vì muốn "ủng hộ" bạn bè, người thân làm ngân hàng

Không riêng chị Hoài, nhiều khách hàng thậm chí còn rơi vào nợ xấu do thiếu phí duy trì. Đơn cử như trường hợp của anh Đức Anh (Đông Anh, Hà Nội) được mời chào mở thẻ tín dụng miễn phí, nhân viên ngân hàng sẽ hoàn thiện thủ tục “khách hàng không phải làm gì”, nên đã đồng ý.

Sau khi nhận thẻ, anh không dùng đến, một thời gian sau cũng nhận được điện thoại thông báo nợ hơn 1 triệu đồng tiền phí duy trì. Anh Đức Anh đã ngay lập tức thanh toán và cũng báo nhân viên ngân hàng khóa thẻ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi có việc cần vay vốn ngân hàng anh mới “tá hỏa” khi nợ xấu nhóm 5, do còn 196 đồng tiền thẻ tín dụng đã quá hạn 2 năm.

Tương tự, ông Hoàng (TP. HCM) cũng cho biết, hồi đầu năm 2024, một người quen làm nhân viên ngân hàng đã mời ông mở thẻ tín dụng để đủ chỉ tiêu, hạn mức của thẻ là 44 triệu đồng. Dù không có nhu cầu sử dụng nhưng vẫn đồng ý mở để “ủng hộ”, thủ tục cũng khá đơn giản chỉ cần gửi căn cước công dân.

Sau một tuần được nhận thẻ, người bạn của ông Hoàng có hướng dẫn kích hoạt và nói chi tiêu 10.000 đồng để được tính là thẻ có sử dụng. Sau khi hoàn thành mục đích được tính chỉ tiêu cho người quen, ông đã nộp trả lại số tiền và đinh ninh không có vấn đề gì. Tuy nhiên, sau vài tháng ông bỗng nhận được tin nhắn từ ngân hàng về việc phát sinh lãi quá hạn, phí chậm nộp cho số tiền này, tổng cộng gần 200.000 đồng.

Mở dễ, đóng khó

Hầu hết các khách hàng sau khi bị tính các khoản phí từ “trên trời rơi xuống” đều mong muốn được hủy thẻ do không có nhu cầu sử dụng. Đáng nói, tại trường hợp của ông Hoàng, khi ra ngân hàng làm thủ tục đóng thẻ, ngân hàng yêu cầu phải về gọi lên tổng đài đăng ký. Sau khi báo hủy thẻ, tổng đài viên hẹn tiếp 3 – 5 ngày sau sẽ có người xác nhận hủy thẻ.

Thế nhưng, một tuần sau, ông Hoàng lại nhận được cuộc gọi từ một nhân viên tư vấn gọi đến thông báo nếu kích hoạt lại thẻ, sẽ được miễn phí thường niên 3 năm tới. Theo ghi nhận, có rất nhiều người cũng rơi vào tình cảnh “khóc dở, mếu dở” vì thẻ tín dụng.

the-tin-dung-1-1724751683.jpg
Người tiêu dùng chỉ mở thẻ khi thật sự có nhu cầu chi tiêu

Chị Thu Hoài (Đống Đa, Hà Nội) cũng cho biết phải mất tới cả tuần mới có thể đóng được chiếc thẻ tín dụng mở 3 năm trước. Khi gọi đến tổng đài, nhân viên tư vấn nói phải đến trực tiếp quầy giao dịch chi nhánh đã mở thẻ, xuất trình căn cước công dân mới đóng được thẻ.

Tuy nhiên, khi đến quầy giao dịch, chị lại được nhân viên quầy thuyết phục “để lại sử dụng vì cũng nhiều ưu đãi và tiện ích”. Chỉ đến khi chị cương quyết từ chối không sử dụng và hủy thẻ, nhân viên ngân hàng mới tiến hành giải quyết.

Thực tế, câu chuyện nhiều người “gặp hạn” với thẻ tín dụng không mới, nhưng đến nay vẫn xảy ra thường xuyên. Đại diện một ngân hàng cho biết, về nguyên tắc, nếu thẻ chưa bị khóa và hủy thì chủ thẻ vẫn phải đóng các phí phát sinh, nếu thiếu 1 đồng vẫn được tính là nợ. Việc khách hàng “quên” thẻ còn do việc phát hành thẻ của ngân hàng quá dễ dãi.

Do vậy, các khách hàng cần rà soát lại xem thẻ của mình đã khóa hay chưa, bằng cách liên hệ đến tổng đài ngân hàng để kiểm tra, và chỉ mở thẻ khi thực sự cần thiết chứ không nên vì “cả nể”. Đối với các ngân hàng, cần tư vấn kỹ về lợi ích cũng như rủi ro của dịch vụ thẻ, nhất là thẻ tín dụng tránh những phát sinh ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ thẻ.