Thêm 5 cầu vượt nhẹ, Hà Nội giải quyết các "điểm đen" ùn tắc giao thông

Nhằm giải quyết các “điểm đen” ùn tắc ở Hà Nội, Sở GTVT đang đề xuất xây dựng 5 cầu vượt nhẹ tại các nút giao thông lớn trên địa bàn.

Thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm

Vừa qua, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất xây dựng 5 dự án cầu vượt nhẹ tại các nút giao: Cổ Linh – Thạch Bàn (Q. Long Biên), Châu Văn Liêm – Lê Quang Đạo (Q. Nam Từ Liêm), Hoàng Minh Giám – Nguyễn Tuân (Q. Thanh Xuân), Cổ Bi – Ngô Xuân Quảng và Nguyễn Huy Nhuận – Lý Thánh Tông (huyện Gia Lâm).

Theo đánh giá của Sở GTVT Hà Nội, nút giao Cổ Linh – Thạch Bàn vốn có lưu lượng tham gia giao thông khá lớn vào giờ cao điểm. Đáng chú ý, kể từ khi cầu Vĩnh Tuy 2 được hoàn thành, nút giao này càng thêm ùn tắc.

nut-giao-nguyen-tuan-hoang-minh-giam-1736306757.jpg
Nút giao Hoàng Minh Giám - Nguyễn Tuân nhìn từ trên cao (Ảnh: Hữu Chánh - Lao động)

Tại nút giao Lê Quang Đạo – Châu Văn Liêm (Q. Nam Từ Liêm) tình trạng ùn tắc cũng thường xuyên xảy ra vào khung giờ cao điểm. Trước tình trạng này, thời gian qua cơ quan chức năng cũng đã tiến hành thử nghiệm nhiều phương án. Trong đó có phương án bỏ đèn tín hiệu và tổ chức lại giao thông. Tuy nhiên phương án này vẫn chưa mang lại nhiều hiệu quả.

Vào khung giờ tan tầm, tại nút giao Hoàng Minh Giám – Nguyễn Tuân (Q. Thanh Xuân) tiếp nhận lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn. Theo ghi nhận trên đường Nguyễn Tuân, Hoàng Minh Giám, Lê Văn Lương thường xuyên xuất hiện dòng phương tiện ken đặc kéo dài hàng trăm mét đứng chờ để qua nút giao. Bất chấp mức phạt có thể lên tới 6 triệu đồng, nhiều người vẫn điều khiển phương tiện lao lên vỉa hè để rút ngắn thời gian di chuyển. Tại nút giao này luôn có 2 cán bộ CSGT và 1 cán bộ Thanh tra giao thông thực hiện nhiệm vụ phân luồng và điều tiết giao thông nhằm giảm ùn tắc, xung đột giao thông.

co-linh-thach-ban-1736307150.jpg
Nút giao thông Cổ Linh được tổ chức lại giao thông (Ảnh: Hữu Hưng - Người lao động)

Liên quan tới thời gian triển khai dự án xây dựng 5 cầu vượt nhẹ qua các nút giao, Sở GTVT Hà Nội cho hay, nút giao Cổ Linh – Thạch Bàn đã được UBND TP. Hà Nộ giao BQL dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội lập dự án xây dựng hầm chui theo chiều cầu Vĩnh Tuy – Quốc lộ 5.

Hiện nay tại nút giao Cổ Linh – Thạch Bàn, Sở GTVT đang thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông theo hướng cấm các phương tiện rẽ trái từ đường Cổ Linh vào đường Thạch Bàn; để giảm áp lực giao thông, điều chỉnh các phương tiện đi vào các ngõ: 541 Bát Khối, 33 Cổ Linh, 191 Thạch Bàn; điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu phù hợp với phương án điều chỉnh tổ chức giao thông, đồng thời bố trí lực lượng hướng dẫn phân luồng.

Cầu vượt nhẹ hiệu quả như thế nào?

Với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm tại 5 nút giao này, Sở GTVT đánh giá việc triển khai xây dựng cầu vượt nhẹ là giải pháp hiệu quả để giải quyết các “điểm đen”.

Trước đó, năm 2012 Hà Nội cũng đã triển khai phương án xây dựng cầu vượt nhẹ với kết cấu bằng thép để giảm tải tình trạng ùn tắc thường xuyên tại nút giao Tây Sơn – Chùa Bộc, Láng Hạ - Thái Hà (Q. Đống Đa). Sau 100 ngày thi công, tới tháng 4/2012, 2 cầu vượt thép tại các ngã tư này đã được đưa vào khai thác cho cả xe máy, ô tô con.

cau-vuot-tay-son-chua-boc-1736307216.jpg
Cầu vượt  thép được đưa vào sử dụng năm 2012 tại nút giao Tây Sơn - Chùa Bộc (Ảnh: Hữu Chánh - Lao động)

Kể từ khi đi vào hoạt động, 2 cây cầu vượt thép đã phát huy hiệu quả rõ rệt, giải quyết được tình trạng ùn tắc. Sau đó, nhiều cây cầu vượt nhẹ khác cũng đã được TP. Hà Nội triển khai xây dựng.

Mới đây tại nút giao Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch (Q. Đống Đa), TP. Hà Nội cũng đưa vào sử dụng công trình cầu vượt chữ C dài hơn 300m, rộng 9m, vốn đầu tư 150 tỷ đồng. Cầu vượt được thi công trong vòng 21 tháng và được coi là công trình giao thông quan trọng, cấp bách của Thủ đô.

Nguyên Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia – TS. Khương Kim Tạo cho hay, trước thực trạng nhiều nút giao đã trở nên quá tải, việc xây cầu vượt thép được xem là giải pháp cấp bách được TP. Hà Nội lựa chọn trong lúc chưa đủ điều kiện làm các nút giao hoàn chỉnh.

Theo TS. Khương Kim Tạo, cầu vượt thép không phải là cầu vĩnh cửu nên giá thành thấp, thi công nhanh, ít ảnh hưởng tới môi trường, chi phí bảo dưỡng thấp. Trong trường hợp cần thiết, cầu vượt có thể được tháo dỡ, di dời sang vị trí khác và lắp đặt bình thường. Mặc dù là cầu vượt nhẹ nhưng cơ bản công trình này vẫn đáp ứng và phục phụ các lưu lượng phương tiện di chuyển qua mỗi ngày, đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những “điểm đen” ùn tắc của TP. Hà Nội.