Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương hiện đã xác lập được 2.398 cơ sở dữ liệu dùng chung. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, xác thực, chia sẻ, làm sạch dữ liệu với 18 bộ, ngành và 63 địa phương cùng 4 doanh nghiệp Nhà nước.
Trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip đã được cấp, trong đó kích hoạt gần 54 triệu tài khoản. Hơn 1,5 tỷ yêu cầu xác thực thông tin đã được tiếp nhận. Đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có gần 14,6 triệu tài khoản và hơn 46,2 triệu hồ sơ được nộp. Gần 26,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến đã được thực hiện với số tiền hơn 12,9 nghìn tỷ đồng.
Liên quan đến nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, tập trung chỉ đạo quyết liệt trong triển khai chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan và địa phương khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số trước ngày 10/5, đảm bảo hoạt động mạnh mẽ, hiệu quả, thực chất. Trong đó, ưu tiên các nguồn lực, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia và 3 chiến lược về phát triển Chính phủ số; phát triển dữ liệu số; kinh tế số và xã hội số.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu UBND 7 tỉnh, thành phố gồm An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Tây Ninh, Đắk Nông và TP. HCM khẩn trương trình HĐND cùng cấp ban hành nghị quyết về miễn, giảm phí, lệ phí trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Việc này hoàn thành ngay trong tháng 5/2024.
Tính đến tháng 11/2023, đã có 40/63 địa phương tham mưu, ban hành Nghị quyết của HĐND về miễn, giảm phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Mục đích của việc này là khuyến khích người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai hiệu quả, đồng bộ các giải pháp để đảm bảo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam theo đánh giá của Liên hợp quốc tăng ít nhất 5 bậc và Chỉ số an toàn an ninh mạng theo đánh giá của Liên minh viễn thông quốc tế thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu.
Bộ Công an được chỉ đạo đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06, đồng thời thực hiện sơ kết, phổ biến kinh nghiệm triển khai đề án này cho các bộ, ngành, địa phương trong tháng 5/2024.
Trước đó, trong phiên họp lần thứ tư của Tổ công tác về cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị để thống nhất sử dụng một tài khoản duy nhất là VNeID trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến từ ngày 1/7/2024.
Yêu cầu này được đưa ra trong bối cảnh hiện nay mỗi người dân có tới vài tài khoản dịch vụ công được cấp bởi các bộ, ngành, địa phương khác nhau, gây ra nhiều bất tiện như khó quản lý thông tin cá nhân, phải nhớ nhiều tài khoản giao dịch và mật khẩu.
VNeID (viết tắt của từ Viet Nam Electronic Identification) là ứng dụng trên thiết bị di động do Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an phát triển. Mục đích sử dụng ứng dụng này để thay thế cho giấy tờ truyền thống và cung cấp các tiện ích phục vụ cho công dân số, chính phủ số và xã hội số.
VNeID không chỉ mang lợi ích thiết thực cho người dân mà còn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước, giúp giảm thiểu sự lãng phí và sai sót khi sử dụng giấy tờ truyền thống. Ngoài ra, nó còn giúp tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân và Nhà nước.
Để sử dụng ứng dụng thuận lợi và hiệu quả, người dân cần tải ứng VNeID về điện thoại thông minh. Trong quá trình tải và sử dụng ứng dụng, người dân nếu gặp vấn đề khó khăn thì có thể liên hệ công an địa phương nơi gần nhất để được hướng dẫn.