Chiều ngày 10/7, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xác định có thêm một ca mới dương tính với bệnh bạch hầu. Bệnh nhân là B.H.G (29 tuổi, quê Hòa Bình, hiện tạm trú huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang). Hiện, bệnh nhân B.H.G đã được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để theo dõi, điều trị.
Trước đó, ngày 7/7, CDC Bắc Giang thông báo M.T.B. (18 tuổi, quê Nghệ An, tạm trú huyện Hiệp Hòa) xét nghiệm dương tính với bệnh bạch hầu. Đây là một trong 2 trường hợp có tiếp xúc gần với ca tử vong do bệnh bạch hầu tại Kỳ Sơn, Nghệ An.
Do có tiếp xúc gần với M.T.B. nên khi biết M.T.B mắc bạch hầu, B.H.G đã đến Trạm Y tế xã Hợp Thịnh (huyện Hiệp Hòa) khai báo dịch tễ, rồi về cách ly tại phòng trọ ở thôn Trung Hòa. Kết quả xét nghiệm ngày 9/7 của B.H.G là âm tính. Nhưng xét nghiệm lần 2 cho kết quả dương tính.
Bước đầu truy vết, lực lượng chức năng đã xác định có 7 trường hợp tiếp xúc gần với B.H.G. Cả 7 người này đều có trong danh sách các trường hợp tiếp xúc gần với M.T.B đã được xác định và thực hiện cách ly y tế từ ngày 7/7.
Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa cho biết, với những F1 đã được xác định, các đơn vị sẽ tiếp tục lấy mẫu lần 2, lần 3 để kiểm tra, đồng thời chỉ đạo việc theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà và điều trị dự phòng bằng kháng sinh. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng xử lý môi trường, khử trùng tại phòng trọ của M.T.B. Đến thời điểm hiện tại, ngoài mẫu xét nghiệm của B.H.G cho kết quả dương tính, các mẫu còn lại vẫn âm tính.
Trước diễn biến bệnh có chiều hướng phức tạp, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có Công văn khẩn số 1105/KCB-NV gửi Sở Y tế tỉnh Nghệ An và Sở Y tế tỉnh Bắc Giang.
Theo đó, Cục Quản lý khám, chữa bệnh yêu cầu các đơn vị khẩn trương tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác khám, chữa bệnh (kể cả cơ sở y tế tư nhân) nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly, điều trị trị đúng, kịp thời và giảm tối đa số ca bệnh tử vong.
Ngoài ra, các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ liên quan tới bạch hầu cần hội chẩn với tuyến trên để ưu tiên sử dụng sớm huyết thanh kháng độc tố (hội chẩn để sử dụng và được phân bổ huyết thanh) và lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu. Đồng thời, triển khai thực hiện ngay việc lấy mẫu xét nghiệm nhuộm soi tìm vi khuẩn sớm để có định hướng điều trị.
Đặc biệt, trong công văn khẩn, Cục Quản lý khám, chữa bệnh nhấn mạnh, tỉnh Nghệ Anh và Bắc Giang chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, thiết bị y tế, vật tư, cơ số thuốc, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị bệnh.
Cùng với đó, tuân thủ các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa dựa trên đường lây truyền cho nhân viên y tế trong quá trình khám, chữa bệnh như vệ sinh tay, sử dụng khẩu trang, vệ sinh môi trường bề mặt... Triển khai cho người tiếp xúc uống thuốc kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn và tăng cường truyền thông trong bệnh viện để bệnh nhân, người nhà bệnh nhân biết được các dấu hiệu của bệnh, qua đó có biện pháp phòng bệnh, đi khám sớm khi có biểu hiệu nghi ngờ.
Hiện nay, tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh bạch hầu đặc hiệu quan trọng, hiệu quả và lâu dài nhất. Lộ trình tiêm vaccine: Trẻ từ 2 tháng tuổi có thể tiêm vaccine 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 có thành phần bạch hầu. Mũi tiêm kết hợp phòng 4 bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib; thêm bại liệt, viêm gan B tùy loại vaccine. Phác đồ tiêm gồm 4 mũi khi trẻ 2, 3, 4 và 16 - 18 tháng tuổi.
Sau đó, giai đoạn 4 - 6 tuổi, trẻ tiêm 1 mũi nhắc tiền học đường, đến 9 - 17 tuổi thì tiêm tiếp 1 mũi nhắc tuổi thanh thiếu niên.