Gửi xe ở bãi, rồi đi tàu điện
Từ khi tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đi vào vận hành, chị Nguyễn Minh Thư đã lựa chọn làm phương tiện đi làm hàng ngày. Chị chia sẻ, nhà ở phố Ngọc Hà (quận Ba Đình), còn công ty chị ở gần khu đô thị Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), cách nhau khoảng 8km. Mỗi ngày, chị đi xe máy đến ga Cầu Giấy, gửi ở gần đó rồi lên tàu metro.
Chị Thư chia sẻ, sau khi trải nghiệm đi metro Nhổn - ga Hà Nội, chị thấy thích và phù hợp nên đã chủ động thay đổi phương tiện đi làm. Quãng đường đến công ty chị thường hay bị ùn tắc, những hôm nắng gắt hay mưa gió, đi lại rất vất vả. Trong khi đi tàu điện mát mẻ, sạch sẽ, còn nhanh và không phải chịu cảnh bụi bặm tắc đường.
Chị Phạm Kim Ngọc nhà ở khu Cầu Diễn, còn chỗ làm lại ở tận Cầu Giấy. Chị bảo, nhiều hôm không muốn đi xe máy, chịu cảnh ùn tắc thì chuyển qua đi xe buýt. Chị bắt xe tuyến 20A từ nhà ở Cầu Diễn lên trạm trung chuyển Cầu Giấy, sau đó bắt tiếp tuyến 32 để đến chỗ làm.
Lộ trình của chị đi dọc theo suốt chiều dài của tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Thế nên, mấy ngày nay, chị đã chuyển hẳn sang di chuyển bằng tuyến metro này. Chị Ngọc cho biết, tuyến metro này xây từ hồi con chị học cấp 2, giờ cháu đã lên đại học. Chị hy vọng tuyến đường sắt này sẽ giúp người dân đi lại thuận lợi, giảm thiểu phương tiện cá nhân và bảo vệ môi trường
Anh Nguyễn Trường Hải cũng là một trường hợp chủ động mua vé metro tháng để thay đổi phương tiện đi làm hàng ngày. Anh cho biết, nhà anh ở phố Trần Hữu Dực, còn văn phòng làm việc phố Kim Mã, mỗi nơi cách ga gần nhất từ 1 - 3 km. Hiện nay, anh vẫn đi xe máy tới gửi ở gần ga rồi sử dụng tàu điện. Nhưng sắp tới, anh sẽ dùng xe đạp gấp đi tới ga, như vậy sẽ không cần phải mất thêm công đoạn gửi xe. Kết hợp đi lại bằng xe đạp và tàu điện vừa không phải chịu cảnh ùn tắc giao thông, vừa tăng cường sức khỏe.
Vị trí điểm gửi xe cho khách
Các hạ tầng phụ trợ như bãi gửi xe, xe buýt trung chuyển, xe đạp công cộng... cũng được thiết lập tại nhà ga.
Theo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), hiện nay, sinh viên và người đi làm sử dụng tàu điện Nhổn - ga Hà Nội đang tăng dần. Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi tàu khi tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội, lực lượng chức năng đã lên phương án bố trí các điểm trông giữ xe phù hợp.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã phối hợp đơn vị vận hành tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội khảo sát, dự kiến bố trí một số điểm đỗ xe nằm trong phạm vi bán kính 500m thuộc 8 nhà ga gồm:
- Điểm đỗ xe Cầu Giấy (tại lòng đường cụt nút giao thông ngã ba Voi Phục, phường Ngọc Khánh)
- Điểm đỗ xe La Thành (đối diện tòa nhà V-Tower, phường Ngọc Khánh)
- Điểm đỗ xe gầm cầu Mai Dịch (phường Mai Dịch)
- Điểm đỗ xe đảo phân cách giao thông tại nút giao Mai Dịch
- Điểm đỗ xe phố Khúc Thừa Dụ (đoạn từ phố Cầu Giấy đến ngõ 45 phố Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng)
- Điểm đỗ xe đường Nguyễn Phong Sắc (đoạn từ phố Trần Đăng Ninh đến phố Cầu Giấy, phường Dịch Vọng)
- Điểm đỗ xe phố Trần Quý Kiên (đoạn từ phố Cầu Giấy đến Khu đô thị Dịch Vọng, phường Dịch Vọng);
- Điểm đỗ xe hè đường Cầu Giấy (dưới gầm cầu Đại học Giao thông vận tải thuộc địa bàn phường Ngọc Khánh)...
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng tập trung kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm lấn chiếm khu vực nhà ga, lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện.
Các đơn vị đã phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính với 5 trường hợp chiếm dụng hè phố để trông giữ phương tiện trái phép với tổng số tiền xử phạt 24 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu giải tỏa nhiều điểm trông giữ phương tiện không phép nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị.
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã bắt đầu bán vé, vận hành thương mại từ ngày 23/8. Dù mới chỉ khai thác từ ga S1-S8, đoạn tuyến đường sắt đô thị này đã thu hút lượng khách khá đông đảo. Trong 15 ngày miễn phí vừa qua, metro Nhổn - ga Hà Nội đã đón hơn 743.000 lượt khách đi trải nghiệm, ngày cao điểm nhất có tới hơn 100.000 lượt khách.