Bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield (Công ty cung cấp dịch vụ bất động sản) cho biết, khác với năm ngoái, cuộc đua mở rộng quỹ đất khối ngoại chiếm ưu thế, năm 2024 thị trường sẽ chứng kiến sự trở lại của nhiều doanh nghiệp nội sau tái cơ cấu.
Theo đó, xu hướng của năm nay sẽ là các doanh nghiệp nội giàu tiềm lực tiếp tục “comeback” cuộc đua thâu tóm quỹ đất sạch, còn khối ngoại “săn” các dự án gặp khó về tài chính. Được biết, khẩu vị đầu tư của các doanh nghiệp hiện là dự án có quỹ đất sạch, chất lượng tốt, giá trị thật, quyền sở hữu hợp pháp, đền bù giải phóng hoàn chỉnh và có tiềm năng phát triển.
Như Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) vừa thông qua kế hoạch của công ty con là Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Saphire nhận chuyển nhượng 99% vốn điều lệ Công ty CP Phát triển Bất động sản Lộc Minh với giá trị 350 tỷ đồng.
Được biết, Bất động sản Lộc Minh là chủ đầu tư dự án Khu nhà ở cao tầng Công ty Lộc Minh có diện tích 1,9 ha (phường Bình Trưng Đông, TP. Thủ Đức. TP.HCM). Như vậy, Nhà Khang Điền sẽ gián tiếp sở hữu dự án này sau khi Saphire mua lại Lộc Minh.
Công ty CP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest) có kế hoạch đầu tư hơn 434 tỷ đồng để thâu tóm 99,8% vốn điều lệ Công ty CP Đầu tư Phát triển Xanh Kỳ Sơn. Theo đó, Xanh Kỳ Sơn thành lập năm 2016, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Công ty này và Tập đoàn Telin đang liên doanh cùng phát triển dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đảo Ngọc (Hoà Bình) với quy mô 35 ha và tổng vốn đầu tư khoảng 234 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (HDG) lấn sân sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp. Công ty vừa đề xuất tỉnh Ninh Thuận thực hiện đầu tư hai cụm công nghiệp Phước Nam 1 và Phước Nam 2. Mỗi cụm có quy mô 50 ha, tập trung vào các ngành công nghệ ca, ít gây ảnh hưởng đến môi trường.
Ngoài ra, Hà Đô còn lên kế hoạch thực hiện nhiều thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập), tích lũy quỹ đất triển khai các dự án khu đô thị tại các tỉnh miền Bắc như: Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh.
Công ty CP Tập đoàn TH đề xuất tỉnh Lâm Đồng đầu tư dự án Khu du lịch Quốc gia Đankia - Suối Vàng. Theo quy hoạch, dự án có tổng diện tích gần 4.000 ha với mức đầu tư lên tới 30.313 tỷ đồng, được triển khai theo hình thức đấu thầu.
Dù đang trong quá trình tái cấu trúc, Tập đoàn Novaland (NVL) cũng không ngừng phát triển quỹ đất mới. Cụ thể, Novaland vừa đề xuất đầu tư một tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng rộng gần 437 ha tại khu vực Mũi Yến, tỉnh Bình Thuận. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn tích cực làm việc với tỉnh Lâm Đồng để triển khai dự án Khu đô thị phức hợp du lịch nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí Cao nguyên Lâm Viên vốn đã đề xuất từ năm 2022.
Tập đoàn Đất Xanh cũng đang tìm kiếm quỹ đất rộng 100 - 200 ha pháp lý tốt ở khắp cả nước để làm các dự án giai đoạn 2024 - 2025. Bên cạnh đó, Đất Xanh cũng lên kế hoạch M&A các quỹ đất dự án hiện hữu tập trung tại khu vực có mức độ đô thị hóa cao và có thể triển khai nhanh.
Chưa hết, loạt “ông lớn” lớn khác như: Ecopark, Hoàng Huy, TNG Holdings, Vinhomes, Eurowindow... cũng đang tích cực tham gia phát triển dự án từ các quỹ đất có diện tích từ 50 -150 ha tại Lâm Đồng, Long An, Hải Phòng, Bình Thuận…
Báo cáo thị trường quý I/2024 của Viện Nghiên cứu Kinh tế Tài chính Bất động sản Dat Xanh Services (FERI) cho thấy, cuộc đua săn quỹ đất trên thị trường ngày càng đa dạng. Các chủ đầu tư nhắm đến nhiều nhiều địa phương mới.
TS. Phạm Anh Khôi - Viện trưởng Dat Xanh Services đánh giá, thị trường M&A đa dạng về loại hình. Trong đó, bất động sản công nghiệp đang được chủ đầu tư quan tâm nhiều nhất. Dòng vốn cũng có khuynh hướng dịch chuyển và gia tăng ở phân khúc nghỉ dưỡng, khách sạn, văn phòng và bán lẻ.
Ông Khôi dẫn chứng như Tập đoàn Central Pattana (Thái Lan) gia nhập thị trường bán lẻ tại Việt Nam; Tập đoàn TH vừa đề xuất đầu tư Dự án Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng (Lâm Đồng); Tập đoàn Thủy sản Minh Phú lấn sân sang mảng bất động sản với dự án nhà ở xã hội tại Cà Mau
Viện trưởng Dat Xanh Services nhận định, việc chủ đầu tư lập sàn môi giới nội bộ cũng là xu thế tất yếu yếu phục vụ chiến lược bán hàng dài hạn, đồng thời hoàn thiện hệ sinh thái về dịch vụ bất động sản. Đây là chiến lược mới trong chu kỳ mới.
Việc hoàn thiện pháp lý cũng là một trong những nhiệm vụ khó khăn, nhưng không thể bỏ qua. Các chủ đầu tư cần đảm bảo rằng, mọi thủ tục, hợp đồng và văn bản pháp lý liên quan được xử lý một cách chính xác và minh bạch để tránh rủi ro pháp lý trong tương lai.
Hiện thị trường địa ốc đang có nhiều dấu hiệu tích cực và được đánh giá là đang trên đà hồi phục. Tuy nhiên, thời gian hồi phục nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào các yếu tố tác động, trong đó quan trọng nhất là sự cải thiện niềm tin thị trường.