Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư Trung tâm dữ liệu
Theo Nikkei Asia, Alibaba đang có kế hoạch xây dựng một trung tâm ở Việt Nam để lưu trữ dữ liệu tại địa phương, đáp ứng quy định của cơ quan quản lý, đồng thời bắt kịp nhu cầu tại một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á. Theo dự đoán, chi phí xây dựng trung tâm dữ liệu mới có thể vượt quá 1 tỷ USD.
Dự báo của Tech Sci Research cho thấy, quy mô thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam đạt 858 triệu USD vào năm 2020 và được dự báo tăng trưởng với CAGR giai đoạn năm 2020-2026 đạt 15%, với hơn 2 tỷ USD vào năm 2026. Tuy nhiên, thị trường đặc thù này vẫn chủ yếu do các công ty nước ngoài nắm giữ tới 70-80% thị phần.
Theo các nhà quan sát, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực trung tâm dữ liệu. Điều này xuất phát từ những lợi thế riêng, bao gồm giá đất trung bình thấp nhất khu vực, với khoảng 168 USD/m2 cho các Trung tâm dữ liệu, chi phí xây dựng thấp, các chính sách đầu tư ổn định.
Để phát huy được các lợi thế trên chính sân nhà, các doanh nghiệp Việt thời gian qua cũng đã đang nỗ lực đẩy xây dựng, mở rộng các trung tâm dữ liệu cho riêng mình.
Ngày 10/4, Viettel cũng khai trương Trung tâm dữ liệu thứ 14 của mình tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), với thiết kế tới 60.000 máy chủ, hơn 2.400 tủ rack, diện tích mặt sàn 21.000m2, được xem là trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam. Được biết, Viettel cũng đang đầu tư dự án trung tâm dữ liệu tại TP.HCM với vốn đầu tư 14.700 tỷ đồng, dự kiến đưa vào hoạt động từ quý IV/2025.
Trước Viettel, VNPT và CMC cũng đã khai trương, mở rộng các Trung tâm dữ liệu lớn của mình để nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ hạ tầng đám mây, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng trong và ngoài nước.
Cuối năm 2023, VNPT đã khai trương trung tâm dữ liệu mới tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, nâng tổng số trung tâm dữ liệu hiện có lên con số 8, với 4.619 tủ racks.
Về phía Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) cũng đã tổ chức lễ cất nóc tòa nhà Trung tâm dữ liệu FPT tại Đà Nẵng và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2024. FPT hiện có 4 trung tâm dữ liệu, với 4.000 tủ racks, trong đó 3 trung tâm đang vận hành tại Hà Nội và TP.HCM và 1 trung tâm đang xây dựng ở TP.HCM.
Không chỉ các doanh nghiệp Việt, nhiều “ông lớn” công nghệ trên thế giới cũng đã có những chuyến viếng thăm, khảo sát và ngỏ ý muốn đầu tư các Trung tâm dữ liệu, nghiên cứu phát triển tại Việt Nam.
Sự bùng nổ của các thương vụ mua bán sát nhập
Theo các nhà quan sát, châu Á là một trong những khu vực đang có tốc độ phát triển trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ trên toàn cầu. Điều này đòi hỏi về năng lực dữ liệu ngày càng lớn.
Dữ liệu của Sở giao dịch chứng khoán London (LSEG) cho thấy, Châu Á Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản đang dẫn đầu các giao dịch trên thị trường trung tâm dữ liệu toàn cầu từ đầu năm tới nay. Giá trị các giao dịch mua bán và sát nhập (M&A) lên tới 840,47 triệu USD, chiếm hơn một nửa dòng tiền đầu tư trong lĩnh vực trên toàn cầu.
Cũng theo đơn vị này, vào năm 2023, các thương vụ về Trung tâm dữ liệu của châu Á đã đạt mức cao kỷ lục 3,45 tỷ USD. Con số dự kiến sẽ sớm bị vượt qua trong năm nay với ít nhất một vài giao dịch lớn đang được thực hiện.
Một số nhà đầu tư lớn, bao gồm tập đoàn toàn cầu Blackstone inc cũng đang tìm cách mua lại AirTrunk – công ty sở hữu 11 trung tâm dữ liệu siêu quy mô ở Úc và phần còn lại của khu vực.
Chủ sở hữu AirTrunk là Tập đoàn Macquarie và Ủy ban Đầu tư Hưu trí Khu vực Công của Canada đang đặt mục tiêu định giá giao dịch lên tới 15 tỷ đô la Úc (tương đương 9,8 tỷ USD). Đây có thể là giao dịch về trung tâm dữ liệu lớn nhất châu Á trong năm nay.
Garren Cronin, giám đốc điều hành của Cadence Advisory, đơn vị tư vấn về đợt huy động vốn 861 triệu USD của nhà điều hành trung tâm dữ liệu Úc NEXTDC vào tháng 4 cho biết: “Cuộc cách mạng AI đang tạo ra nhu cầu chưa từng có về năng lực của trung tâm dữ liệu chất lượng cao”.
"Năng lực mới cần được xây dựng ở Châu Á Thái Bình Dương trong vòng 3 đến 5 năm tới thật đáng ngạc nhiên. Tôi kỳ vọng rằng luồng giao dịch trong không gian trung tâm dữ liệu sẽ tăng cường vào năm 2024".
Tập đoàn Microsoft tuần trước cho biết họ sẽ đầu tư 2,2 tỷ USD trong 4 năm tới vào Malaysia để mở rộng dịch vụ đám mây và AI trên khắp châu Á.
Không chỉ Malaysia, Microsoft cũng sẽ mở trung tâm dữ liệu châu Á đầu tiên tại Thái Lan. Thông báo được đưa ra chỉ một ngày sau khi công ty công bố khoản đầu tư trị giá 1,7 tỷ USD vào AI và cơ sở đám mây ở nước láng giềng Indonesia.
Các thương vụ tiềm năng khác ở châu Á bao gồm Telkom Indonesia (thuộc sở hữu của nhà nước) đang mở đợt bán cổ phần mới trong hoạt động kinh doanh trung tâm dữ liệu trị giá 1 tỉ USD. NEC của Nhật Bản cũng đang cân nhắc bán trung tâm dữ liệu trị giá 500 triệu USD.
Goldman Sachs Asset Management (GSAM), công ty đã đầu tư vào AirTrunk vào năm 2017 trước khi bán cổ phần của mình cho tập đoàn do Macquarie dẫn đầu ba năm sau đó, đã triển khai hơn 1 tỷ USD để phát triển trung tâm dữ liệu ở châu Á trong ba năm qua.
Nikhil Reddy, người đứng đầu bộ phận bất động sản APAC tại GSAM cho biết, công ty sẽ tích cực đầu tư vào các dự án bổ sung, đặc biệt tập trung vào Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông nói: “AI tạo ra một loại nhu cầu khác về trung tâm dữ liệu ngoài nhu cầu lịch sử của đám mây, tập trung vào độ trễ thấp. Giờ đây, với AI, đòi hỏi mức tiêu thụ dữ liệu lớn, dung lượng là yếu tố then chốt”.