Theo thông tin từ nhà sản xuất, nhiều tính năng của chiếc xe điện này được điều khiển bằng giọng nói và hầu như không có nút bấm hay xoay. Ngoài ra, Jidu Robocar 07 còn được thiết kế theo kiểu thể thao và có thể di chuyển 900 km chỉ với 1 lần sạc trong 12 phút.
Nhà thiết kế của Jidu Robocar 07 cho biết, đây sẽ là tương lai của công nghệ lái xe. Điều đặc biệt là chiếc xe điện mới này là công nghệ được hậu thuẫn bởi Baidu – tập đoàn công nghệ hàng đầu của nước này.
Thời gian gần đây, ngoài Baidu thì Huawei và một số công ty công nghệ khác của Trung Quốc cũng đã gia nhập ngành kinh doanh ô tô.
Xiaomi vốn có thế mạnh và nổi tiếng với các dòng smartphone, thiết bị gia dụng cũng đã trở thành nhà sản xuất xe điện. Tháng 3 vừa qua, hãng này đã cho ra mắt dòng xe điện SU7 và thông báo doanh thu bán hàng trong quý II/2024 là 27.000 chiếc. Ngoài ra, Xiaomi đặt mục tiêu bán 12.000 chiếc vào cuối năm nay. Tính tới thời điểm hiện tại, Xiaomi có 87 trung tâm bán hàng ở 30 thành phố của Trung Quốc.
Đó là ở Trung Quốc, còn với các công ty công nghệ ở phương Tây, ngành sản xuất ô tô dường như đang rơi vào tình cảnh “bi đát”. Chẳng hạn, Amazon đã đầu tư rất nhiều vào Rivian – nhà sản xuất xe tải điện đã ghi nhận vốn hóa giảm 90% kể từ thời điểm IPO vào năm 2021. Tiếp đến là dự án xe tự hành Waymo do Alphabet hậu thuẫn hiện cũng phải đối mặt với sự giám sát của các cơ quan quản lý về tính an toàn.
“Ông lớn” Apple thì chi gần 10 tỷ USD trong hàng chục năm qua cho dự án Titan nhưng nhà sản xuất iPhone đã bỏ cuộc vào đầu năm nay dù chưa có nhiều thành tựu. Thêm nữa, công ty Dyson đến từ Anh nổi tiếng với máy hút bụi và máy sấy tóc cũng đã thử và không thành công trong dự án phát triển xe điện.
Nhiều chuyên gia trong ngành nhận định nguyên nhân thị trường sản xuất ô tô điện của Trung Quốc đang chiếm ưu thế hơn so với những thị trường khác bởi độ tuổi người mua trong nước của Trung Quốc trẻ hơn nhiều so với phương Tây. Theo đó, nhiều người trong số này ưa thích một chiếc xe nhờ phần mềm và hệ thống giải trí. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp các công ty công nghệ dễ dàng thâm nhập vào thị trường đại lục. Mặt khác, chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra các chính sách thúc đẩy người dân sử dụng xe điện nhằm giảm phụ thuộc vào ngành công nghiệp dầu mỏ.
Bên cạnh đó, một số thương hiệu thành công đều được sáng lập bởi các chuyên gia công nghệ kỳ cựu. Chẳng hạn như Li Auto được biết đến là nhà sản xuất xe điện và hybrid lớn nhất Trung Quốc. Tập đoàn này được thành lập bởi doanh nhân công nghệ Li Xiang vào năm 2015. Hay nhà đồng sáng lập Xpeng – He Xiaopeng cũng bắt đầu và thành công từ lĩnh vực phát triển phần mềm.