Thiếu nhà ở, giá tăng cao chóng mặt nhưng hàng loạt dự án vẫn đắp chiếu

Nhiều dự án chung cư quây tôn, rơi vào cảnh chậm tiến độ, nhiều biệt thự bỏ hoang...trong khi giá nhà ngày một tăng cao, người dân không có nhà ở.

Hàng loạt dự án chậm tiến độ, đắp chiếu

Hiện nay có một thực trạng tréo ngoe khi quỹ đất ngày càng khan hiếm, nhu cầu nhà ở nhiều, nguồn cung trong vài năm qua hạn chế thì tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM… nhiều dự án chung cư, khu đô thị được đầu tư xây dựng lại rơi vào cảnh chậm tiến độ, đắp chiếu suốt nhiều năm. 

Nói tới dự án đắp chiếu phải kể tới dự án Nhà ở tái định cư kết hợp kinh doanh tại Phân khu 11b đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM (tên thương mại là Park Vista). Dự án này có quy mô 680 căn hộ, do Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại sản xuất Xây dựng Đông Mê Kông (Công ty Đông Mê Kông) làm chủ đầu tư. Mở bán từ năm 2016 và dự kiến bàn giao nhà vào năm 2019, thế nhưng đến nay dự án Park Vista vẫn chưa hoàn thành.

Nhiều khách hàng đã thanh toán tiền mua căn hộ cho Công ty Đông Mê Kông đúng thoả thuận theo hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, những gì họ nhận lại từ chủ đầu tư là không ít lần thất hứa về thời điểm thi công trở lại, thời hạn bàn giao nhà.

athenna-1711797340.jpeg

Dự án Athena Complex Pháp Vân vẫn ngổn ngang, chưa biết bao giờ mới bàn giao. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Tại Hà Nội, Dự án Tòa nhà hỗn hợp Athena Complex Pháp Vân của liên danh nhà đầu tư CTCP Công nghiệp Hàn Việt Nam và Công ty TNHH Phát triển Đô thị và Xây dựng 379 (Công ty 379) có vị trí tại lô đất HH - II. 5.1 Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) thi công dở dang và chưa hẹn ngày bàn giao cho khách hàng. Việc tổ chức kinh doanh bất động sản không đủ điều kiện, chậm tiến độ bàn giao nhà khiến khách hàng tại dự án đã nhiều lần gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng, căng băng rôn đòi nhà suốt thời gian dài.

Vào tháng 7/2022, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty 379 về hai hành vi vi phạm tại dự án Athena Complex Pháp Vân với số tiền 1 tỷ đồng.

Cụ thể, Công ty 379 tổ chức kinh doanh bất động sản mà bất động sản đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh. Hành vi vi phạm này bị xử phạt 500 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động kinh doanh 4,5 tháng. Ngoài ra, Công ty 379 bị xử phạt 500 triệu đồng vì triển khai xây dựng dự án kinh doanh bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở chậm tiến độ đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt.

Trong biên bản làm việc ngày 7/7/2022 với sự tham gia 3 bên gồm đại diện chính quyền phường Hoàng Liệt, Sở Xây dựng... cùng chủ đầu tư và người mua căn hộ tại dự án, ông Đỗ Văn Trường - Phó Giám đốc Công ty 379 - cam kết sẽ bàn giao căn hộ thô cho cư dân trong tháng 3/2023. Tuy nhiên, chủ đầu tư lại thất hứa khi không thực hiện được mốc bàn giao này.

Trong khi đó, dự án Khu đô thị mới Hạ Đình, trên phần diện tích đất thuộc xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (Hà Nội), chủ đầu tư chậm triển khai xây dựng nhà ở xã hội tại ô đất NO1 (tên thương mại Udic Eco Tower).

Theo quyết định số 88 năm 2004 của UBND TP phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, ô đất NO1 với diện tích hơn 9.300m2 chiếm khoảng 23% diện tích đất ở của Khu đô thị mới Hạ Đình, phục vụ nhu cầu của TP thực hiện chính sách di dân giải phóng mặt bằng.

Đến tháng 3/2022, tại quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Hạ Đình, ô đất NO1 giữ nguyên chức năng là đất xây dựng NƠXH cao tầng, điều chỉnh từ 12 tầng tăng lên thành 25 tầng. Diện tích sau điều chỉnh là hơn 3.700m2, mật độ xây dựng điều chỉnh từ 28% lên thành 40%.

Chủ đầu tư khu đô thị Hạ Đình được ưu tiên mua nhà tại ô đất này để tổ chức tái định cư. Theo tiến độ yêu cầu của UBND TP, chủ đầu tư phải khởi công xây dựng nhà ở xã hội này từ quý IV/2022 để đưa vào khai thác, sử dụng từ quý IV/2024. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được khởi công. Phần diện tích trên vẫn quây tôn.

Tại dự án Khu đô thị mới Hạ Đình, trong khi đất dự án NƠXH vẫn quây tôn, cỏ um tùm, một số hạng mục như nhà trẻ, khu khám chữa bệnh,... vẫn chưa xây dựng thì hàng loạt biệt thự, liền kề, shophouse đã được thi công hoàn thiện để bán.

khu-do-thi-ma-vietnamnet-1339-1711797443.jpeg

Nhiều khu biệt thự vẫn bỏ hoang

Thực trạng này không chỉ tại Hà Nội, TP.HCM mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước.

Nhiều khu đô thị có căn nhà, biệt thự được xây dựng rồi bị bỏ hoang do không gắn với hạ tầng, trong đó bao gồm cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, từ điện, nước tới dịch vụ chỗ ở... Các khu nhà mới này đáp ứng được cung nhưng không đáp ứng được cầu, đặc biệt nhiều khu được xây chưa phù hợp với đời sống của người dân. Hơn nữa, nhiều nơi có giá thành cao, không phù hợp với thu nhập trung bình của người dân.

Không ít dự án bất động sản bỏ hoang hiện nay là hệ quả của việc phát triển quá "nóng", thiếu đánh giá về hiệu quả của các chủ đầu tư. Tình trạng nhiều chủ đầu tư không đủ tiềm lực, thực hiện dự án nửa chừng, năng lực của các chủ đầu tư cùng những vướng mắc chồng chéo về thủ tục hành chính... đã gây ảnh hưởng, cản trở đến quá trình thực dự án.

Lành mạnh hoá thị trường bất động sản

Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhìn nhận, thực tế thời gian qua, tại một số địa phương và một số dự án bất động sản, chủ đầu tư quảng bá, giao dịch khi dự án chưa được phép triển khai, chưa đủ điều kiện huy động vốn. Không ít trường hợp chủ đầu tư cố tình chiếm dụng vốn của khách hàng để đầu tư dàn trải nhiều dự án cùng một lúc, hoặc sử dụng vốn cho các mục đích cá nhân khiến nhiều dự án không hoàn thành đúng tiến độ cam kết...

Những vi phạm này gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế, gây khó khăn cho đời sống của khách hàng, phát sinh khá nhiều hệ lụy và làm giảm tính minh bạch của thị trường bất động sản.

Lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho hay, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được thông qua đã có các quy định về quyền của chủ đầu tư trong hoạt động kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai, điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh, về bảo lãnh trong bán, cho thuê, điều kiện chuyển nhượng hợp đồng mua bán... để đảm bảo dự án có pháp lý minh bạch, rõ ràng, thuận tiện trong việc áp dụng quy định đối với chủ đầu tư, khách hàng và các bên liên quan.

“Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ khó khăn, kiểm soát cơ cấu bất động sản, thúc đẩy, hỗ trợ nhà ở xã hội, giá rẻ... Cùng với đó là các biện pháp về bảo lãnh của ngân hàng thương mại, về bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng, về kiểm soát việc sử dụng tiền ứng trước thông qua nghĩa vụ của chủ đầu tư... để lành mạnh hóa thị trường bất động sản. Từ đó, hạn chế rủi ro cho người mua nhà, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của chủ đầu tư, quyền lợi của khách hàng và yêu cầu quản lý nhà nước” - ông Hoàng Hải nói.