Thời gian nghỉ thai sản cho nam giới được đề xuất tăng thêm

Góp ý cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, nhiều người cho rằng cần tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới. Cũng có ý kiến cho rằng, thay vì tăng thêm ngày nghỉ thì nên quy định trong 6 tháng đầu vợ sinh con, người chồng được về sớm mỗi ngày 30 phút sẽ phù hợp hơn.

Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất quy định “cứng” thời gian nghỉ thai sản đối với lao động nam là 5-14 ngày, thay vì quy định mức tối đa số ngày nghỉ như hiện nay.

Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng, thời gian nghỉ thai sản của lao động nam cần được xem xét lại theo hướng tăng thêm.

nghi-thai-san-cua-nam-gioi-1713605105.png
Nhiều người cho rằng thời gian khi người vợ sinh mà lao động nam được nghỉ 5 - 14 ngày là quá ít

Anh Vũ Ngọc Quang làm kỹ sư cho một doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện thoại tại khu công nghiệp ở Thái Nguyên. Anh chia sẻ, thời gian khi người vợ sinh mà lao động nam được nghỉ 5 - 14 ngày là quá ít, nhất là khi hai vợ chồng phải sống xa gia đình không nhận được sự giúp đỡ của 2 bên nội ngoại. Hoặc người vợ sinh mổ không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà tinh thần cũng mệt mỏi, lúc này rất cần sự chăm sóc, quan tâm, hỗ trợ của chồng.

Anh Quang bộc bạch, trong 6 tháng đầu sinh con là gia đoạn rất vất vả, người vợ cần sự hỗ trợ chăm sóc của chồng không chỉ là làm những việc hàng ngày mà còn có cả ý nghĩa về tinh thần. Do vậy, quy định chỉ được nghỉ tối đa 14 ngày là quá ít, Luật Bảo hiểm xã hội nên sửa đổi, tăng thêm 3 - 7 ngày để việc chăm sóc vợ con của người chồng được tốt hơn.

Ông Nguyễn Thái Dương - Phó chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, hiện nay điều kiện kinh tế của nhiều cặp vợ chồng trẻ còn khó khăn, phải thuê nhà. Thế nên, khi sinh con, họ không có điều kiện thuê người giúp việc, do đó vai trò hỗ trợ của người chồng rất quan trọng.

Theo quy định hiện hành, người chồng chỉ được nghỉ tối đa 14 ngày lúc vợ sinh con là quá ít. Ông Nguyễn Thái Dương kiến nghị, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi cần tính toán tăng thời gian nghỉ của nam giới khi vợ sinh con (trong khoảng 60 ngày sau khi người vợ sinh con) để người chồng có thêm thời gian chăm sóc vợ con, phù hợp với mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc.

Đồng tình với đề xuất trên, một lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội cho rằng, nam giới chăm sóc vợ con sau sinh nở cần quá trình dài. Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi thay vì tăng thêm ngày nghỉ thì nên quy định trong 6 tháng đầu vợ sinh con, người chồng được về sớm mỗi ngày 30 phút sẽ phù hợp hơn.

nghi-thai-san-cua-nam-gioi-1-1713605105.jpg
Có ý kiến cho rằng thay vì tăng thêm ngày nghỉ thì nên quy định trong 6 tháng đầu vợ sinh con, người chồng được về sớm mỗi ngày 30 phút

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Tiểu ban phụ nữ trong kinh doanh (WIB SC) cũng đề xuất Bộ Lao động Thương binh và Xã hội điều chỉnh tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới trong Luật Bảo hiểm xã hội.

Đại diện các đơn vị này cho rằng, trẻ nhỏ sẽ nhận được sự chăm sóc và điều kiện phát triển tốt nhất khi cả cha và mẹ đều được nghỉ phép 6 tháng. Do đó, thời gian nghỉ thai sản cho nam giới ở Việt Nam nên tăng từ 5 - 14 ngày lên 6 tháng là cần thiết. Trước mắt, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội lần này nên tăng theo hướng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới lên tối thiểu 1 tháng.

Theo quy định hiện hành, lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày trường hợp vợ sinh thường; được nghỉ 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;

Lao động nam được nghỉ 10 ngày trong trường hợp vợ sinh đôi, từ sinh ba trở lên thì cứ mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc; Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

Thời gian nam giới nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng 30 ngày đầu từ ngày người vợ sinh con.