Nhiều vụ tai nạn xuất phát từ người đi bộ và suy nghĩ sai lầm sẽ được "du di" ngay cả khi vi phạm

Nhiều người cho rằng các phương tiện giao thông phải nhường đường, tránh người đi bộ, ngay cả khi họ không tuân thủ luật lệ. Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho hay, suy nghĩ này là sai lầm và vô lý. Pháp luật quy định, khi xảy ra tai nạn giao thông, bên có lỗi sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý. Nếu có lỗi hỗn hợp, mỗi bên sẽ phải chịu trách nhiệm theo tỷ lệ lỗi của mình.

Tiềm ẩn tai nạn khi đi bộ tùy tiện

Hiện nay, người đi bộ sang đường tùy tiện không đúng nơi quy định là tình huống giao thông khá phổ biến. Hành vi này không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà còn làm vạ oan cho người điều khiển các phương tiện cơ giới.

di-bo-1735559027.jpg
Người đi bộ sang đường tùy tiện không đúng nơi quy định tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao

Như vào ngày 21/10, tại lối lên đường vành đai 2 trên cao, đoạn từ Minh Khai hướng về Ngã tư Sở (Hà Nội) đã xảy ra một tình huống giao thông nguy hiểm: Một xe tải đang di chuyển lên đường trên cao, thì bất ngờ một người đi bộ cầm ô chạy vội sang đường.

Tài xế xe tải phải phanh gấp và đánh lái để tránh, dẫn đến việc xe lao vào dải phân cách. Trong khi đó, người đi bộ vẫn tiếp tục sang đường ở làn đối diện như không có chuyện gì xảy ra. Tất cả hình ảnh đã được camera hành trình của một chiếc ô tô ghi lại.

Sau khi video được đăng tải lên mạng xã hội, nhiều người đã sự bức xúc về hành vi đi bộ sang đường tùy tiện, gây nguy hiểm cho chính bản thân và các phương tiện giao thông. Đồng thời cũng bày tỏ sự đồng cảm với tài xế xe tải trong clip.

Vụ việc trên may mắn không có thiệt hại đáng tiếc nào xảy ra, nhưng thực tế ghi nhận không ít tai nạn đã xảy ra do lỗi của người đi bộ. Riêng tại tỉnh Đồng Tháp, thống kê năm 2023 cho thấy, đã xảy ra 29 vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ, khiến 24 người tử vong và 12 người bị thương. Trong đó, có 6 vụ do người đi bộ không tuân thủ các nguyên tắc giao thông, dẫn đến tai nạn.

Nhằm giải quyết tình trạng này, ngày 27/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 168/2024/NĐ-CP, trong đó có nội dung về việc xử phạt người đi bộ sai quy định. Cụ thể, người đi bộ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng trong các trường hợp sau: Không đi đúng phần đường quy định, vượt qua dải phân cách, đi qua đường không đúng nơi quy định, đi qua đường không có tín hiệu bằng tay theo quy định;

Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường. Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông; Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.

Người đi bộ bị phạt tiền từ 150.000 - 250.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Xây dựng thói quen đi bộ văn minh

Liên quan đến tình trạng sang đường sai quy định, một số lý do thường được đưa ra là vỉa hè dành cho người đi bộ thiếu hoặc bị chiếm dụng bởi các quầy hàng, xe cộ. Hay có những người nghĩ việc đi bộ sang đường gần nhà để lấy xe chẳng có gì to tát, thậm chí còn cho rằng các phương tiện giao thông phải nhường đường, tránh người đi bộ là chuyện đương nhiên, ngay cả khi họ không tuân thủ luật lệ.

di-bo-1-1735559026.jpg
Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định cụ thể mức xử phạt người đi bộ sai luật

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho hay, suy nghĩ này rất nguy hiểm. Theo quy định của pháp luật, tất cả những người tham gia giao thông, gồm người đi xe cơ giới, xe thô sơ và người đi bộ, đều có nghĩa vụ tuân thủ các quy định về giao thông đường bộ nhằm đảm bảo an toàn và trật tự giao thông.

Khi xảy ra tai nạn giao thông, bên có lỗi sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý. Nếu có lỗi hỗn hợp, tức là cả hai bên đều có lỗi, thì mỗi bên sẽ phải chịu trách nhiệm theo tỷ lệ lỗi của mình.

Trong trường hợp cả hai bên không có lỗi (mặc dù đây là tình huống hiếm gặp), nếu lỗi được xác định là do kỹ thuật hoặc nhà sản xuất, thì trách nhiệm sẽ thuộc về nhà sản xuất hoặc đơn vị kiểm định kỹ thuật.

Nếu người đi bộ có lỗi gây ra tai nạn giao thông với phương tiện xe cơ giới, người đi bộ sẽ phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, nếu cả hai bên không có lỗi, người điều khiển xe cơ giới, vì đây là nguồn nguy hiểm cao độ, sẽ phải bồi thường cho người đi bộ.

Ông Cường cũng nhấn mạnh, pháp luật Việt Nam chưa bao giờ quy định xe lớn phải bồi thường cho xe nhỏ trong các vụ tai nạn giao thông. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì mà vẫn tồn tại suy nghĩ rằng "xe to phải bồi thường cho xe nhỏ" khi xảy ra tai nạn giao thông. Đây là một quan điểm sai lầm và vô lý. Nếu có tranh chấp, tòa án sẽ không chấp nhận yêu cầu này. Nguyên tắc chung là bên nào có lỗi gây thiệt hại, bên đó sẽ phải bồi thường, bất kể phương tiện đó lớn hay nhỏ.

Ví dụ, nếu người đi bộ đi xuống lòng đường hoặc sang đường mà thiếu chú ý, dẫn đến tai nạn giao thông với xe mô tô, thì người đi bộ phải chịu trách nhiệm pháp lý. Nếu hậu quả nghiêm trọng, người đi bộ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại gây ra.

Chuyên gia phân tích, theo quy định pháp luật, người đi bộ chỉ được đi trên vỉa hè. Nếu đoạn đường không có vỉa hè, người đi bộ phải đi sát vào phía bên phải của lề đường. Người đi bộ chỉ được phép sang đường tại các nơi có vạch sơn và đèn tín hiệu dành cho người đi bộ.

Nếu nơi không có vạch sơn và không cấm người đi bộ sang đường, người đi bộ chỉ được phép sang đường khi đảm bảo an toàn. Vì vậy, chỉ trong trường hợp người đi bộ đi trên vỉa hè hoặc sang đường tại nơi được phép mà gặp tai nạn với xe mô tô, thì nếu người lái xe mô tô thiếu chú ý, không làm chủ tốc độ, họ sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Theo nhiều chuyên gia giao thông, việc đi bộ sai luật xảy ra ở mọi lứa tuổi từ người già, trung niên đến sinh viên, học sinh. Do đó, để xây dựng thói quen đi bộ văn minh, tuân thủ đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ, đã đến lúc cần triển khai một chiến dịch tuyên truyền toàn diện trên phạm vi cả nước.

Đây giống như chiến dịch xử phạt người tham gia giao thông khi vượt quá nồng độ cồn cho phép, đã nhận được sự đồng tình mạnh mẽ từ xã hội vì những tác động tích cực mà nó mang lại.

Chúng ta không thể để bất kỳ ai, ở độ tuổi nào, nghĩ rằng chỉ có các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy... mới cần phải tuân thủ luật và bị xử phạt, còn người đi bộ thì có thể được "du di", ưu tiên. Cũng đừng nghĩ chỉ có những người lái xe vi phạm nồng độ cồn mới đáng bị xử lý. Để đảm bảo an toàn giao thông, người đi bộ cũng cần phải chịu trách nhiệm nếu có hành vi vi phạm Luật Giao thông.