Thói quen tự mua thuốc điều trị "giúp" thuốc giả vẫn còn “đất sống”

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan đánh giá, nhiều người dân khi uống những loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng đã bị ảnh hưởng về sức khỏe, thậm chí mất mạng. Tai hại hơn, thói quen đó vô tình tiếp tay cho nạn sản xuất, buôn bán thuốc giả.

Triệt phá đường dây thuốc giả cực lớn

Ngày 17/8, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, sau một thời gian theo dõi và lập án đấu tranh, Công an TP. Thanh Hóa vừa triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả (chủ yếu là thuốc tân dược) quy mô lớn trên toàn quốc, bắt giữ 7 đối tượng.

Khám xét khẩn cấp 5 địa điểm là nơi sản xuất, nơi cất giấu hàng hóa của ổ nhóm này trên địa bàn Hà Nội, Cần Thơ và Bến Tre, lực lượng công an đã thu giữ: 3.258 hộp thuốc Cefixim 200mg, 657 hộp thuốc Cefuroxim 500mg, 100 hộp thuốc Panadol Extra, 724 hộp thuốc Panactol dạng vỉ nén, 1.080 lọ thuốc Panactol.

thuoc-gia-1723942052.jpg
Các đối tượng và tang vật vụ án

Nhiều nguyên liệu để sản xuất các loại thuốc kháng sinh giả cũng bị thu giữ, gồm 2,2 tấn phụ gia, tá phẩm, 1.000 tờ hướng dẫn sử dụng thuốc Cefuroxim, 10 thùng vỏ hộp Panactol cùng nhiều máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất thuốc giả.

Tài liệu điều tra cho thấy, lợi dụng thói quen của người dân thường tự mua các loại thuốc chữa bệnh và lỗ hổng trong công tác quản lý Nhà nước với hoạt động kinh doanh dược phẩm tại các quầy thuốc, nhà thuốc, Nguyễn Văn Hưng (SN 1990, tỉnh Đắk Nông, đối tượng cầm đầu) đã câu kết với Trương Quốc Phong Dinh (SN 1997, Cần Thơ) thành lập Công ty TNHH dịch vụ y tế Tích Hợp, đăng ký trụ sở tại TP. Bến Tre (tỉnh Bến Tre) để ngụy trang sản xuất thuốc giả.

Dưới vỏ bọc dược sĩ chuyên mua bán thuốc cho các công ty dược, Trương Quốc Phong Dinh đã thông qua các trang mạng xã hội zalo, facebook… để thu mua các loại thuốc ngoại nhập trôi nổi trên thị thường. Sau đó, đối tượng dùng cồn hoặc hóa chất khác tẩy xóa phần chữ in trên vỉ thuốc, dùng máy in lại thông tin (tên, thành phần, hoạt chất) trên vỉ thuốc tạo thành loại thuốc mới.

Dinh còn thu mua thuốc tân dược sản xuất nội địa, có nguồn gốc xuất xứ, giá rẻ, sau đó ngâm vào nước để bong tróc tem nhãn gốc của nhà sản xuất, rồi dán tem nhãn giả lên thành thuốc ngoại nhập, đưa ra thị trường tiêu thụ với giá cao.

Công an TP. Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố các bị can về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh" quy định tại khoản 2 Điều 194 Bộ luật Hình sự.

Thói quen của người dân khiến thuốc giả vẫn tồn tại

Thuốc chữa bệnh là loại hàng hóa đặc biệt bởi liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người. Do vậy, việc thuốc giả, thuốc kém chất lượng lọt ra thị trường là vấn đề rất đáng lo ngại.

Những năm qua, hàng trăm lô thuốc giả, không đạt chất lượng đã bị cơ quan quản lý thu hồi, tiêu hủy. Trong đó, phần lớn là thuốc điều trị các bệnh thường gặp như: Rabesta 20 (Rabeprazol natri 20mg) trị trào ngược dạ dày thực quản, Enalapril 5mg điều trị tăng huyết áp, Myomethol chỉ định cho người bị đau lưng cấp tính do co thắt cơ xương, co thắt cơ, gãy xương hoặc trật khớp, Levosum bổ sung hormone, Novotec-70 chuyên điều trị loãng xương ở người lớn tuổi, Npluvico điều trị suy tuần hoàn não...

Cuối năm 2018, Bộ Y tế từng yêu cầu ngừng sử dụng và thu hồi 57 loại thuốc chứa valsartan - được kết luận là chất gây ung thư. Đáng nói, nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã sử dụng những loại thuốc này để điều trị cho bệnh nhân cao huyết áp, suy tim và sau nhồi máu cơ tim.

thuoc-gia-1-1723942052.jpg
Nhiều người có thói quen tự đến nhà thuốc, kể triệu chứng để nhân viên "kê đơn"

Các bác sĩ từng cảnh báo, nếu người bệnh sử dụng kháng sinh kém chất lượng, không đủ hàm lượng hoạt chất thì không tiêu diệt được vi khuẩn gây bệnh mà còn làm tăng nguy cơ kháng thuốc. Với các bệnh lý cấp tính, mãn tính, người bệnh sẽ phải đối diện những biến chứng khó lường, có thể bệnh nặng hơn hoặc thậm chí tử vong khi không may sử dụng phải thuốc kém chất lượng.

Tác hại do dùng thuốc giả đã rõ, tuy nhiên không thể phân biệt thuốc thật - giả hay kém chất lượng bằng mắt thường. Thực tế ghi nhận, hầu hết sai phạm liên quan chất lượng thuốc chỉ được phát hiện thông qua khâu hậu kiểm - tức là khi thuốc đã được nhập khẩu, lưu hành trên thị trường, thậm chí đã được nhiều người mua về sử dụng.

Vì sao thuốc giả, kém chất lượng vẫn tồn tại dù cơ quan chức năng rất quyết liệt xử lý, thu hồi? Một trong những lý do là bởi sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dùng. Thay vì khám bệnh, mua thuốc theo toa bác sĩ kê, không ít người tự đến nhà thuốc, kể triệu chứng để nhân viên "kê đơn", hay mua thuốc theo tư vấn của người thân, bạn bè hoặc kinh nghiệm của người mắc bệnh tương tự.

Để ngăn ngừa thuốc giả, thuốc kém chất lượng tiếp cận người dùng, cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp kiểm soát chất lượng thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, "nước xa không cứu được lửa gần", để chủ động "cứu mình", chính người dùng cần nâng cao nhận thức khi mua thuốc, tránh tự chuốc họa vào thân.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Phó Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam đánh giá, có rất nhiều người dân khi uống những loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng đã bị ảnh hưởng về sức khỏe, thậm chí mất mạng. Do vậy, một cá nhân làm thuốc giả và ý thức được việc làm đó thì hành vi trên đã phạm vào tội giết người hàng loạt và giết người có chủ ý. Trong tất cả các lỗi, lỗi làm thuốc giả là nặng nhất, việc sản xuất và tiếp tay cho thuốc giả là một tội ác.