Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Sửa Nghị định 24 cần cân nhắc để đảm bảo mục tiêu chống "vàng hóa"

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 24 cần cân nhắc thận trọng để đảm bảo mục tiêu chống vàng hóa, hạn chế tác động tới thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng vừa gửi tới đại biểu Quốc hội kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV có phần đề cập về tổng kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24).

Theo đó, để phục vụ công tác tổng kết này, NHNN đã tổ chức họp lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động của chính sách. Cụ thể, NHNN đã lấy ý kiến Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng vào tháng 7/2022. Các ý kiến đóng góp đều thống nhất đánh giá những thành công của Nghị định 24, đồng thời nhất trí quan điểm nên sửa đổi.

Tiếp đó, NHNN tiến hành lấy ý kiến bằng văn bản của 63 NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố. Đồng thời xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, các chuyên gia và các đại biểu quốc hội…

nguyen-thi-hong-1716532915.jpg
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, sửa Nghị định 24 cần hết sức thận trọng

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, các thành viên đều thống nhất rằng sau 12 năm triển khai Nghị định 24, các mục tiêu đề ra đều đã đạt được và thống nhất cao với đề xuất của NHNN về các giải pháp quản lý của thị trường vàng trong thời gian tới.

“Tuy nhiên, việc sửa đổi Nghị định 24 cần cân nhắc thận trọng để đảm bảo mục tiêu chống vàng hóa, hạn chế tác động tới thị trường tiền tệ, ngoại hối”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Cũng trong khuôn khổ kỳ họp thứ 7, các đại biểu Quốc hội cũng nêu ý kiến về lo ngại về việc giá vàng trong nước liên tục biến động mạnh và kiến nghị đã đến lúc sửa đổi Nghị định 24, xóa bỏ độc quyền Nhà nước.

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, kể từ khi Nghị định 24 ra đời cho đến thời kỳ trước Covid-19, giá vàng trong nước gần như bám sát với giá vàng quốc tế. Tuy nhiên, trong khoảng 2 năm trở lại đây, nhất là từ giai đoạn cuối năm 2023 đến nay, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới luôn ở mức cao dao động từ 15-20 triệu đồng/lượng.

“Điều này khiến thị trường vàng trong nước trở nên nhạy cảm hơn, kích thích hoạt động đầu cơ và nhập lậu, gây ảnh hưởng mạnh lên tỷ giá tự do và gián tiếp gây áp lực lên tỷ giá chính thức”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhận định.

gia-vang-1716532857.png
Giá vàng được dự báo có thể sẽ tiếp tục tăng

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa – đoàn Đồng Tháp cho biết, nên mở rộng cho doanh nghiệp đủ điều kiện được phép sản xuất vàng miếng dưới sự quản lý của NHNN. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp như vậy nhưng vướng quy định về độc quyền sản xuất vàng miếng nên không thể thực hiện.

Mới đây, Quỹ Incrementum AG (Đức) đã có những dự báo liên quan đến thị trường vàng trong thời gian tới. Cụ thể, báo cáo của Incrementum AG cho biết, những thay đổi về mặt cấu trúc của nền kinh tế toàn cầu như lạm phát, bất ổn địa chính trị… đang làm lung lay vai trò của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ duy nhất trên thế giới. Do đó, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã tập trung mua vàng để phòng thủ, dẫn đến xu hướng tăng giá dài hạn của vàng. Giá vàng trong vài năm tới có thể sẽ tiếp tục tăng.

Tính đến phiên giao dịch ngày 24/5, giá vàng thế giới đang giao dịch ở mức 2.329 USD/ounce, tương đương 71,54 triệu đồng/lượng theo quy đổi. Giá vàng trong nước cũng giảm theo thế giới nhưng vẫn chênh cao hơn 17,96 triệu đồng/lượng.