Thu ngân sách từ nhà đất đạt 90.600 tỉ đồng trong 5 tháng

Số liệu thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách của cả nước đạt 898.000 tỉ đồng, tăng gần 1% so với cùng kỳ. Riêng khoản thu từ nhà, đất đạt 90.600 tỉ đồng, tăng 78,2% so với 5 tháng đầu năm 2023.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, số thu từ nhà đất tăng trong thời gian qua là do các địa phương tổ chức tốt công tác đấu giá đất, giao đất cho các dự án từ cuối năm 2023 phát sinh tiền sử dụng đất đầu năm 2024. Một số địa phương phát sinh thu tiền thuê đất 1 lần của dự án.

Thực tế, số thu từ nhà đất liên tục tăng cao trong gần 10 năm trở lại đây. Nếu như trong năm 2013, số thu từ nhà đất gần 63.700 tỉ đồng thì đến năm 2022 đã tăng khoảng 4 lần. Năm 2023, do thị trường bất động sản trầm lắng nên giảm so với năm trước.

Bên cạnh khoản thu từ nhà đất, một số khoản thu cũng tăng mạnh như thu từ sản xuất kinh doanh do doanh nghiệp đã tạm nộp 3 kỳ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân tăng 13,9%, thu thuế bảo vệ môi trường tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2023.

thu-ngan-sach-tu-dat-dai-1717695917.jpg

Trong 5 tháng đầu năm 2024, khoản thu từ nhà, đất đạt 90.600 tỉ đồng, tăng 78,2% so với cùng kỳ

Theo Bộ Tài chính, số thu nội địa đạt 756.000 tỉ đồng tăng khá so dự toán và tăng 16,8% so cùng kỳ phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, nguồn thu từ nhà đất là nguồn thu không bền vững bởi phụ thuộc vào diễn biến của thị trường bất động sản.

Trong một chia sẻ với báo chí trước đây, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính cho rằng, nguồn thu từ nhà đất có thể tăng cao đột biến nhưng có thể giảm sâu bất ngờ.

Hiện, nguồn thu từ đất đai cơ bản để lại cho ngân sách địa phương, nhưng chỉ được chi cho phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng chứ không thể dùng tăng chi thường xuyên. Nếu có một khoản thu đột biến thì việc chi thế nào cho hiệu quả cũng không phải việc dễ, trong khi đó, nếu giảm đột ngột sẽ gây khó khăn cho việc lập dự toán trung và dài hạn ở các địa phương.

Ông Cường cũng bày tỏ lo ngại, nếu các địa phương không có nguồn thu nào mạnh, tập trung vào đất thì mọi nguồn lực xã hội cũng sẽ tập trung vào quy hoạch, xây dựng hạ tầng để phục vụ cho bán đất vì “cứ bán là có tiền”. Tập trung nguồn lực xã hội vào lĩnh vực “dễ dãi” nhất về dài hạn rất nguy hiểm, vì hết đất thì sẽ không biết thu từ đâu.

vu-sy-cuong-1717696139.jpg

PGS.TS. Vũ Sỹ Cường cho rằng, tập trung nguồn lực xã hội vào lĩnh vực “dễ dãi” nhất về dài hạn rất nguy hiểm

Theo đó, để hướng tới sự bền vững, hiệu quả đối với các nguồn thu từ đấy đai, ông Cường đề cập đến giải pháp thu thuế bất động sản vừa là để cân đối ngân sách, vừa điều tiết những bất ổn bộc lộ thời gian qua của thị trường như đầu cơ, tích trữ, lướt sóng mua đi bán lại…Đồng thời chuyển hình thức thu tiền sử dụng đất 1 lần sang nhiều lần, theo tiến độ cũng là một giải pháp hợp lý.

Cũng theo ông Cường, trước đó, Bộ Tài chính từng đề xuất thu thuế tài sản với nhà đất, đây là nguồn thu bền vững. Bài học chỉ chăm chăm vào thu từ bán đất Trung Quốc đã từng trải qua, là tạo ra những khu đô thị bỏ hoang do thị trường bất động sản phát triển quá mức.

TS. Vũ Đình Ánh cũng ủng hộ phải cải cách hệ thống thuế đất đai, thu thuế tài sản với nhà đất. Bởi nhiều người có thể sở hữu hàng chục nhà đất, giá trị cả trăm tỉ đồng nhưng không thu được đồng thuế nào vì họ không thực hiện giao dịch, chuyển nhượng.

Bổ sung thêm giải pháp, PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, để góp phần bình ổn thị trường bất động sản, khai thác tốt các nguồn thu từ đất, sử dụng đất đai tiết kiệm hiệu quả, cơ quan chức năng cần nghiên cứu giải pháp nhằm định giá đất phù hợp với giá trị thị trường.