Mua thực phẩm chức năng tiền triệu nhưng “tiền mất tật mang” vì dính hàng giả

Lợi dụng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và sự thiếu hiểu biết của người dân, nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội để quảng cáo, chào bán các loại thực phẩm chức năng và cam kết luôn có sẵn hàng với số lượng lớn, giá tốt.

Nhiều năm nay, thực phẩm chức năng đã trở nên phổ biến. Thống kê từ Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho thấy, tỷ lệ người dân sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng với mục đích phòng bệnh đang tăng lên nhanh chóng, với khoảng 80% dân số.

Đáng chú ý, nhu cầu về thuốc, thực phẩm chức năng bổ não, chống đột quỵ được rất nhiều người quan tâm. Nhiều người sẵn sàng “xuống tiền” với một hộp thực phẩm chức năng có giá lên tới vài triệu đồng để bảo vệ sức khoẻ cho mình và người thân.

an-cung-nguu-1719211782.jpg
Công an TP. Thanh Hóa đã triệt phá đường dây sản xuất thực phẩm chức năng giả quy mô lớn (Ảnh: Thái Thanh)

Tuy nhiên, phần đông người dân hiện nay mua thực phẩm chức năng qua mạng xã hội hoặc trên các nền tảng bán hàng trực tuyến khác. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mua phải hàng giả. Hậu quả là phòng bệnh không đạt được còn “tiền mất tật mang”.

Điển hình như mới đây, Công an TP. Thanh Hoá đã triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả quy mô lớn. Theo đó, qua công tác nắm địa bàn, Công an TP. Thanh Hoá phát hiện một nhóm đối tượng nghi vấn hoạt động sản xuất, buôn bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả là viên hoàn Vũ Hoàng Thanh Tâm do Công ty Kwangdong (Hàn Quốc) sản xuất và xuất khẩu sang Việt Nam.

Sản phẩm này được quảng cáo là có tác dụng phòng chống đột quỵ, bổ não. Hiện nay, sản phẩm được nhiều người tiêu dùng quan tâm, sử dụng. Lợi dụng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và sự thiếu hiểu biết của người dân, các đối tượng sử dụng mạng xã hội để quảng cáo, chào bán và cam kết luôn có sẵn hàng với số lượng lớn, giá tốt.

Sau khi thu thập đủ chứng cứ, Công an TP. Thanh Hoá đã tổ chức khám xét đồng loạt 10 địa điểm là nơi ở, nơi làm việc, sản xuất, cất giấu hàng hoá của các đối tượng trên địa bàn TP. Thanh Hóa và Hà Nội.

Lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ nhiều sản phẩm giả gồm: Hơn 4.000 hộp An cung viên hoàn Vũ Hoàng Thanh Tâm thành phẩm (loại hộp 10 viên), giá trị tương đương 10 tỷ đồng; 100 hộp An cung ngưu hoàng hoàn (loại 60 viên/hộp) của Công ty Samsung Pharm.

Bên cạnh đó, nguyên vật liệu phục vụ việc sản xuất, đóng gói sản phẩm giả cũng bị thu giữ gồm: Hơn 1.000 tem chống giả nhãn hiệu Kwangdong, tem hướng dẫn sử dụng nhãn hiệu Kwangdong; 7 bì đựng vỏ lọ bằng nhựa, nắp lọ bằng nhựa được dùng đựng viên An cung ngưu hoàng hoàn; trên 1.000kg viên nén hình tròn màu vàng đã được bọc giấy màu vàng cùng nhiều máy móc, công cụ để đóng gói sản phẩm như máy ép, ghim, súng bắn keo, băng dính…

Mỗi hộp thực phẩm chức năng “An cung ngưu hoàng hoàn” làm giả chỉ có giá từ 200.000 - 250.000 đồng, nhưng khi bán ra thị trường, chúng được phù phép thành “hàng xách tay” từ Hàn Quốc, giá trị mỗi hộp được người bán thổi lên đến 3.000.000 đồng hoặc cao hơn nữa.

an-cung-nguu-1-1719211782.jpg
Các đối tượng và tang vật bị thu giữ trong đường dây sản xuất thực phẩm chức năng giả (Ảnh: Thái Thanh)

Trên thị trường thực phẩm chức năng, An cung ngưu hoàng hoàn được rất nhiều người tiêu dùng Việt tin tưởng sử dụng. Nhu cầu cao này đã “biến” nó thành một trong những sản phẩm bị làm giả nhiều nhất.

Các mặt hàng thực phẩm chức năng, bảo vệ sức khỏe thường có giá rất cao nên vượt ngoài khả năng của nhiều người. Để mua được, họ đã đi vay mượn. Do đó nếu mua phải thực phẩm giả thì ngoài thiệt hại về kinh tế, còn thiệt hại về sức khoẻ, thậm chí là tính mạng.

Bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, hầu hết các đối tượng thường không bán thực phẩm bảo vệ sức khoẻ được cơ quan Nhà nước công bố, mà bán thực phẩm chức năng giả, chưa được phép lưu hành, hay tự sản xuất, tự bán mà không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

Người tiêu dùng khi sử dụng các loại thực phẩm chức năng này, không khỏi được bệnh mà còn ảnh hưởng tới sức khoẻ, làm lỡ cơ hội chữa bệnh. Nguy hiểm hơn, thời gian vừa qua, Cục An toàn thực phẩm còn phát hiện nhiều thực phẩm bảo vệ sức khoẻ trôi nổi chứa chất cấm.

Với những mối nguy hại trên, bà Trần Việt Nga khuyến cáo, người dân khi có bệnh phải đi khám bác sĩ để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Còn thực phẩm bảo vệ sức khoẻ chỉ có tác dụng hỗ trợ nâng cao sức khoẻ, không có tác dụng điều trị. Quảng cáo thực phẩm chức năng uống vào khỏi bệnh là không đúng.