Thương vụ mua lại Twitter của Elon Musk đang khiến các ngân hàng lớn bất an

Để huy động đủ 44 tỷ USD để mua lại Twitter vào năm 2022, Elon Musk đã vay hơn 13 tỷ USD từ Morgan Stanley, Bank of America và 5 ngân hàng lớn khác. Tuy nhiên, thương vụ này hiện đang được đánh giá là tồi tệ nhất của Phố Wall kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Các ngân hàng đang phải chật vật để bán lại các khoản nợ kể trên.

Thương vụ mua lại Twitter của Elon Musk vào năm 2022 là một trong những thương vụ tốn nhiều bút mực của truyền thông, trong đó, nhiều luồng thông tin đặc biệt xoay quanh nguồn tiền. Theo đó, Musk đã vay các ngân hàng 13 tỷ USD. Số tiền hơn 30 tỷ USD còn lại lấy từ túi của Musk, đi cùng với sự hỗ trợ từ một số doanh nhân khác như Lary Ellison – nhà sáng lập của Tập đoàn Oracle và tỷ phú công nghệ Mỹ Marc Andreesen..

elon-musk-buy-twitter-1724223697.jpg
Thương vụ mua bán Twitter của Elon Musk dù đã diễn ra từ năm 2022 nhưng đến giờ vẫn khiến các ngân hàng phải bất an.

Đối với các khoản vay từ ngân hàng, thông thường, khi cho vay để phục vụ mục đích mua bán, sát nhập, họ thường bán các khoản nợ đó cho một đơn vị khác để tìm kiếm một khoản phí giao dịch. Với Twitter – hiện giờ là X, điều này sẽ khó xảy ra khi tình hình tài chính yếu kém của công ty liên tục được báo cáo trong các quý gần đây. Do đó, các khoản vay đang đè nặng áp lực lên các ngân hàng, trở thành “thỏa thuận treo”, theo cách nói của ngành.

Đầu năm nay, quỹ tương hỗ Fidelity, công ty sở hữu cổ phần của X, tiết lộ giá trị cổ phiếu của mạng xã hội này đã sụt giảm nghiêm trọng từ khi tỉ phú Elon Musk mua lại. Fidelity ước tính X hiện có giá trị thấp hơn 71,5% so với thời điểm ông Elon Musk tiếp quản. Bất chấp những nỗ lực để cải tổ và kiếm tiền từ X, mạng xã hội này vẫn trở nên hỗn loạn dưới sự điều hành của Elon Musk khi các nội dung sai sự thật, kích động bạo lực, khiêu dâm… tràn ngập. Các nhà quảng cáo lần lượt rời đi khiến nguồn thu của X bị đe dọa...

Trở lại với việc cho vay của các ngân hàng, tờ The Wall Street Journal (WSJ) nhận định, tại thời điểm đó, các ngân hàng đã đồng ý bảo lãnh các khoản vay này “phần lớn là vì sức hấp dẫn của việc giao dịch với người giàu nhất thế giới quá lớn để có thể bỏ qua”. Giờ đây, khi trích xuất các khoản thanh toán lãi từ X, cộng với việc hoàn trả tiền gốc khi các khoản vay đáo hạn, các ngân hàng đang vỡ lẽ ra rằng, quyết định cho vay của họ có thể là một sai lầm. Vấn đề nghiêm trọng đối với các bên cho vay, bao gồm Morgan Stanley và Bank of America, đến mức tiền thưởng của một số nhân viên ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.

Ngạc nhiên hơn, theo WSJ , các ngân hàng đã cho Elon Musk vay 13 tỷ USD dường như vẫn muốn tiếp tục với Elon Musk. Việc họ cho Musk vay 13 tỷ USD ngay từ đầu không hẳn bắt nguồn từ việc đánh giá cao kế hoạch của ông mà đơn giản vì họ muốn tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh của Elon Musk – hiện đang trải dài ở nhiều lĩnh vực quan trọng như xe điện (Tesla), hàng không vũ trụ SpaceX, công nghệ thần kinh Neuralink và trí tuệ nhân tạo (xAI)… Thậm chí “Nhiều người coi đợt chào bán công khai ban đầu có thể xảy ra của công ty tên lửa SpaceX hoặc doanh nghiệp vệ tinh Starlink là một sự kiện kiếm lời mà họ không muốn bỏ lỡ”.

spacex-1724224797.jpg
Các ngân hàng và nhà đầu tư vẫn kỳ vọng tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh của Elon Musk như SpaceX, Neuralink, xAI.

Theo logic của một số nhà phân tích: SpaceX về mặt lý thuyết có giá trị 175 tỷ USD, con số gây tranh cãi về giá trị thực, tuy nhiên nếu Musk thực sự đưa công ty lên sàn chứng khoán, đó sẽ là một đợt IPO khổng lò và các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh để có được một phần trong số đó.

Chính vì lý do đó, bất kể việc cho Elon Musk vay là rủi ro, các ngân hàng vẫn muốn tiếp tục hợp tác với tỷ phú này trong tương lai.