Trung tâm tiêm chủng Long Châu liên tiếp bị xử phạt
Vài tháng trở lại đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện vi phạm liên quan đến vấn đề tiêm chủng tại một số cơ sở tiêm chủng Long Châu.
Mới nhất, Sở Y tế TP.HCM cho biết vừa tiếp nhận báo cáo thanh kiểm tra cơ sở tiêm chủng Long Châu 103 (phường Tân Hương, quận Tân Phú, TP.HCM).
Theo đó, cơ quan chức năng phát hiện cơ sở tiêm chủng Long Châu 103 không đảm bảo về điều kiện cơ sở vật chất phòng tiêm, điều kiện trang thiết bị phòng xử trí phản ứng sau tiêm. Quy trình xử trí phản ứng sau tiêm, công tác bảo quản vắc xin đều không đạt theo yêu cầu của Bộ Y tế.
Ngoài ra, phần mềm quản lý tiêm chủng nội bộ vận hành không đảm bảo chính xác; cơ sở này không tuân thủ quy định nhập liệu trên hệ thống Thông tin tiêm chủng quốc gia. Theo Sở Y tế TP.HCM, cơ sở tiêm chủng Long Châu 103 chưa thực hiện đầy đủ điều kiện an toàn tiêm, quy trình bảo quản vắc xin không đạt tiêu chuẩn GSP.
Thanh tra Sở Y tế tỉnh Bình Dương qua kiểm tra Trung tâm tiêm chủng Long Châu ở địa chỉ 226-228 Yersin, TP.Thủ Dầu Một cũng phát hiện một số vi phạm.
Cụ thể, cơ sở này không cập nhật đầy đủ thông tin cá nhân của đối tượng tiêm chủng vào Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia vào cuối buổi tiêm; quy trình tiêm chủng vắc xin an toàn tại cơ sở này không đảm bảo; chưa có phòng theo dõi phản ứng sau tiêm; đặc biệt chưa có phòng, kho dự trữ, bảo quản vắc xin theo chuẩn GSP.
Trước đó, vào tháng 5.2024, Sở Y tế tỉnh Phú Yên đã có thông báo về việc rút tên 2 cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng của Công ty cổ phần Dược phẩm Long Châu.
Cụ thể, Trung tâm tiêm chủng Long Châu 27 nằm trên đường Chu Văn An (phường 5, TP.Tuy Hòa) và Trung tâm tiêm chủng Long Châu 28 nằm trên đường Phạm Văn Đồng (thị xã Sông Cầu).
Cả hai cơ sở này đều tự công bố đủ điều kiện tiêm chủng vào tháng 1.2024, tuy nhiên sau đó ngành y tế tỉnh Phú Yên đã kiểm tra và phát hiện một số điều kiện của cơ sở không đảm bảo.
Ngoài bị xử phạt 10 triệu đồng, trung tâm này bị đình chỉ toàn bộ hoạt động trong vòng 1 tháng. Điều đáng nói, trong khi bị Sở Y tế Phú Yên đình chỉ toàn bộ hoạt động từ ngày 3.5 nhưng trong ngày 9.5 Trung tâm tiêm chủng Long Châu 27 lại tiến hành tiêm chủng cho bệnh nhi.
Cũng trong tháng 6.2024, Trung tâm Y tế quận Hà Đông (TP.Hà Nội) phát hiện 2 cơ sở của Công ty cổ phần Dược phẩm Long Châu có nhiều tồn tại cần khắc phục.
Tiềm ẩn rủi ro cho người dân
Theo các chuyên gia, hiện nay, thực trạng các cơ sở tiêm chủng không bảo quản vắc xin an toàn trong điều kiện của kho bảo quản vắc xin đạt chuẩn, không thực hiện quy trình tiêm chủng an toàn là một vấn đề đáng lo ngại, có nguy cơ ảnh hưởng xấu xấu đến sức khoẻ và tính mạng của người sử dụng.
Trao đổi với phóng viên Đô Thị Mới, luật sư Hà Thị Khuyên (Văn phòng Luật sư Nhân Chính, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết cơ sở tiêm chủng vắc xin phải đáp ứng tiêu chuẩn và điều kiện chặt chẽ về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự theo quy định tại Điều 9 Nghị định 104/2016/NĐ-CP sửa đổi bỏi sung bởi Nghị định 13/2024/NĐ-CP; Nghị định 155/2018/NĐ-CP liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
Về cơ sở vật chất, bà Khuyên cho biết: Khu vực chờ trước khi tiêm chủng phải bố trí đủ chỗ ngồi trong một buổi tiêm chủng, bảo đảm che được mưa nắng, kín gió và thông thoáng; khu vực thực hiện tư vấn, khám sàng lọc có diện tích tối thiểu là 8m2; khu vực thực hiện tiêm chủng có diện tích tối thiểu là 8m2; khu vực theo dõi và xử trí phản ứng sau tiêm chủng có diện tích tối thiểu là 15m2.
Riêng đối với điểm tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phòng sinh thì không thực hiện theo các điểm a, điểm b, điểm c và điểm d khoản này mà thực hiện theo quy định sau đây: Bố trí phòng tiêm hoặc bàn tiêm vắc xin riêng, nơi tiêm chủng bảo đảm đủ ấm cho trẻ, có nơi khám sàng lọc cho trẻ, tư vấn cho các bà mẹ hoặc người giám hộ của trẻ; bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, đủ ánh sáng và bố trí theo nguyên tắc một chiều tại các khu vực quy định tại các điểm a, điểm b, điểm c và điểm d khoản này.
Về trang thiết bị, bà Khuyên cho rằng cần có tủ lạnh, phích chứa vắc xin hoặc hòm lạnh, các thiết bị theo dõi nhiệt độ tại nơi bảo quản và trong quá trình vận chuyển vắc xin; có đủ thiết bị tiêm, các dụng cụ, hóa chất để sát khuẩn và các vật tư cần thiết khác; có hộp chống sốc, phác đồ chống sốc treo tại nơi theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm chủng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; có dụng cụ chứa chất thải y tế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Về nhân sự: Số lượng có tối thiểu 3 nhân viên chuyên ngành y, trong đó có ít nhất 1 nhân viên có trình độ chuyên môn từ y sĩ trở lên; đối với cơ sở tiêm chủng tại các vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn phải có tối thiểu 2 nhân viên có trình độ từ trung cấp chuyên ngành y trở lên, trong đó có ít nhất 1 nhân viên có trình độ chuyên môn từ y sĩ trở lên. Nhân viên y tế tham gia hoạt động tiêm chủng phải được tập huấn chuyên môn về tiêm chủng.
“Nhân viên trực tiếp thực hiện khám sàng lọc, tư vấn, theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm chủng phải có trình độ chuyên môn từ y sĩ trở lên; nhân viên thực hành tiêm chủng có trình độ từ điều dưỡng trung học trở lên”, bà Khuyên nói.
Bà Khuyên cho rằng, nếu cơ sở tiêm chủng vắc xin cho bệnh nhân nhưng không đủ điều kiện nêu trên thì sẽ bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động.
Theo đó, tùy hành vi, tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b, khoản 3, khoản 7 điều 9 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, mức xử phạt từ 20 - 40 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi “Tiêm chủng khi chưa thực hiện việc công bố cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng”. Việc bị rút khỏi danh sách nhưng cố tình vi phạm thì cũng xem như cơ sở chưa đủ điều kiện và áp dụng theo quy định này.
“Việc tổ chức tiêm vắc xin nhưng không đủ điều kiện tiềm ẩn nhiều rủi ro cho con người, vì vậy động thái của cơ quan chức năng tiến hành tạm đình chỉ và rút ra khỏi danh sách cơ sở đủ điều kiệm tiêm chủng là đúng quy định pháp luật sau khi kiểm tra và phát hiện vi phạm”, bà Khuyên nêu.