Nâng cấp đường 70, giải quyết điểm nóng ùn tắc Xa La, viện K3 Tân Triều

Năm 2024, Hà Nội triển khai 2 dự án trọng điểm gồm xây dựng tuyến đường Mỹ Đình – Bái Đính với mức đầu tư 2.500 tỷ đồng và nâng cấp đường 70, đoạn Hà Đông – Văn Điển, giải quyết điểm nóng ùn tắc khu vực Xa La, Bệnh viện K3 Tân Triều với chi phí 5.500 tỷ đồng.

Dự án đường Mỹ Đình - Bái Đính

Dự án xây dựng tuyến đường Mỹ Đình – Bái Đính có tổng chiều dài 92km với mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.

mydinh-baidinh-1711776983.jpeg

Đoạn đường này có tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng

 

Dự án được xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2024 – 2025 do BQL dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội làm chủ đầu tư.

Tuyến đường Mỹ Đình - Bái Đính đi qua địa phận các tỉnh là TP. Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình. Dự án được TP. Hà Nội xây dựng 4 nút giao, gồm: Nút giao với đường trục phía Nam (vị trí đầu tuyến); nút giao với Quốc lộ 21B; nút giao đường liên xã Hương Sơn; nút giao đường Hương Sơn – Tam Chúc. Trên tuyến còn được đầu tư xây dựng cầu vượt sông Đáy và sông Châu Giang.

Hiện nay, tuyến đường đang được đầu tư xây dựng được khoảng 79km. Đoạn còn lại đi qua địa phận huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức dài 13km chưa được đầu tư xây dựng. Tuyến đường Mỹ Đình – Bái Đính khi hoàn thành sẽ tăng cường liên kết vùng, tạo thành trục đường quan trọng nối trực tiếp Hà Nội với các quần thể du lịch, văn hóa lịch sử, tâm linh như chùa Hương, chùa Tam Chúc, chùa Bái Đính…

Dự án đường 70 đoạn Hà Đông – Văn Điển

Là tuyến đường trọng yếu nhưng đường 70 đoạn Hà Đông – Văn Điển (nút giao Tứ Hiệp, Thanh Trì) hiện đã xuống cấp nặng nề. Theo đó,  TP. Hà Nội dự kiến sẽ xây tuyến đường dài 7.08km, mặt cắt ngang 50m với điểm đầu là Khu đô thị Văn Quán (Q. Hà Đông), điểm cuối tại nút giao Tứ Hiệp và kết nối với đường nối Pháp Vân – Cầu Giẽ.

duong70-1711776883.jpg

Đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển hiện đã xuống cấp, thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng

 

Dự kiến tuyến đường này có mức đầu tư hơn 5.484 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện là năm 2024 – 2028.

Dự án ngoài được xây dựng đồng bộ các hạng mục công trình còn được đầu tư thêm 3 cầu. Bao gồm: Mở rộng cầu Tó bắc qua sông Tô Lịch, xây mới cầu vượt sông Tô Lịch và Quốc lộ 1A, xây mới cầu qua sông Hòa Bình.

Để thực hiện dự án này, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư được TP. Hà Nội tách riêng thành một dự án thành phần, vốn đầu tư gần 740 tỷ do UBND Q. Hà Đông làm chủ đầu tư. Theo đó, huyện Thanh Trì sẽ có khoảng 41.300m2 đất bị thu hồi với 200 hộ dân cần di dời, Q. Hà Đông có tổng diện tích đất thu hồi là 6.163m2 với 193 hộ dân cần di dời.

Theo đánh giá của cơ quan thẩm tra, việc triển khai đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường 70 đoạn Hà Đông – Văn Điển là rất cần thiết.

mapdt70ha-my-edited-1711736901057-1711777070.jpg

Dự án cải tạo đường tỉnh 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển

 

Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa ở khu vực phía Nam TP. Hà Nội diễn ra nhanh, nhiều chung cư cao tầng và khu đô thị được xây mới khiến mật độ dân số tăng cao, hệ thống trường học, bệnh viện cũng phát triển. Đây là nguyên nhân chính khiến đường 70 thường xuyên ùn tắc, không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Đặc biệt vào giờ cao điểm, một số điểm giao thông như Bệnh viện K3 cơ sở Tân Triều, nút giao Xa La, đoạn qua cầu Tó, nút giao đường 70 với đường Chu Văn An… đều tắc cục bộ.

Thời gian tới, dự báo lưu lượng giao thông tiếp tục tăng sẽ khiến đường 70 đoạn Hà Đông – Văn Điển càng xuống cấp nặng nề. Do đó việc đầu tư, cải tạo cần được sớm thực hiện để giải quyết vấn đề ách tắc giao thông đang nhức nhối, đồng thời giảm bớt áp lực cho một số tuyến đường vành đai trên địa bàn.

Ngoài 2 dự án kể trên, trong năm 2024 TP. Hà Nội cũng sẽ triển khai các dự án: Đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát bắc qua sông Hồng (mức đầu tư 8.300 tỷ); xây dựng cầu Vân Phúc (3.500 tỷ đồng); đường gom phía Đông cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ dài 19km…