Tiến tới định danh toàn bộ hệ thống truy cập Internet để đấu tranh phòng ngừa lừa đảo mạng

Nhằm ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, ngoài việc kiến nghị hoàn thiện hành lang pháp lý, Bộ Công an cũng đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để triển khai công tác xác thực, định danh đối với các tài khoản, thuê bao, tiến tới định danh toàn bộ hệ thống truy cập Internet thời gian tới.

Thông tin được chia sẻ tại buổi họp báo tình hình công tác công an quý III của Bộ Công an, vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 4/10. Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công An) đã giải đáp các vấn đề được quan tâm thời gian qua bao gồm tình trạng tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và công tác phòng ngừa tình trạng lộ, mất dữ liệu…

Theo Trung tá Tùng, tình trạng mạo danh các cơ quan chức năng như tòa án, viện kiểm soát, cơ quan công an để lừa đảo thực tế đã bị lợi dụng trong khoảng 10 năm nay, càng ngày càng có sự chuyển biến phức tạp với những thủ đoạn hết sức tinh vi. Ví dụ, thời gian gần đây, lợi dụng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cập nhật thông tin qua ứng dụng VNeID, các đối tượng thường mạo danh công an để yêu cầu người dân tải ứng dụng giả mạo, chứa mã độc vào thiết bị để chiếm đoạt thông tin, chiếm quyền điều khiển và đánh cắp tiền trong tài khoản ngân hàng… Không chỉ vậy, sau khi Ngân hàng Nhà nước chủ trương, yêu cầu xác thực sinh trắc học với các giao dịch từ 10 triệu đồng trở lên, các đối tượng lừa đảo lại tiếp tục mạo danh các ngân hàng với các thủ đoạn tương tự, gồm dụ dỗ cài app, phát tán phần mềm độc hại...

trung-ta-trieu-manh-tung-1728110692.jpg
Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, tình hình lừa đảo trên không gian mạng Việt thời gian qua diễn biến phức tạp, ngày càng tinh vi.

Để tránh tình trạng kể trên, thời gian qua, Bộ Công an đã có kiến nghị Chính phủ sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý, tránh tồn tại các lỗ hổng pháp lý để các đối tượng có thể lợi dụng. Bộ cũng phối hợp với các bộ ngành, tổ chức như Ngân hàng nhà nước để ngăn chặn, xử lý dòng tiền của các đối tượng lừa đảo.

Bộ Công an đặc biệt nhấn mạnh, sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai xác thực, định danh đối với các tài khoản, thuê bao trên các lĩnh vực thông tin, viễn thông… từ đó tạo cơ sở tiến tới định danh toàn bộ hệ thống truy cập Internet, góp phần xác minh, làm rõ đối tượng vi phạm khi có vấn đề phát sinh…

Đại diện Bộ Công an cũng cho biết, nhằm phục vụ công tác sàng lọc, xác thực thông tin để xóa bỏ các trang web và ứng dụng giả mạo trên mạng xã hội, Bộ cũng sẽ tăng cường hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ lớn, các mạng xã hội như Meta, Google, Apple, Amazon để triển khai các biện pháp cần thiết.

dinh-danh-truy-cap-internet-63193-1728110873.jpg
Bộ Công an đang cùng với Bộ Thông tin và truyền thông tiến tới xác thực, định danh toàn bộ hệ thống truy cập Internet để xử lý đối tượng vi phạm trên không gian mạng.

Về vấn đề công tác phòng ngừa tình trạng lộ, mất dữ liệu, Bộ Công an cho biết đang tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 13/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bộ cũng đang tham mưu Chính phủ để xây dựng Luật Bảo vệ Dữ liệu cá nhân, dự kiến trình Quốc hội khóa XV tới đây.  Luật nhằm tạo cơ sở, hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân của người Việt trên không gian mạng.

Thời gian qua, Bộ Công an cũng đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan, tổ chức để rà soát, đánh giá về đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin trong vận hành các hệ thống, điều tra, đấu tranh và triệt phá các nhóm tội phạm mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân trên mạng xã hội…