Tiết giảm dùng thiết bị mùa nắng nóng, nhưng tiền điện vẫn tăng?

Dù đã chủ động dùng điện tiết kiệm trong những ngày nắng nóng nhưng nhiều gia đình vẫn tá hỏa khi thấy hóa đơn tiền điện cao hơn rất nhiều. Vậy nguyên nhân là từ đâu?
tiet-kiem-dien-1711581065.jpg
Dù đã chủ động tiết giảm thiết bị điện, nhưng hóa đơn tiền điện của nhiều gia đình vẫn tăng

Chị Đặng Hồng Nhi (quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) giật mình khi nhận hóa đơn tiền điện tháng vừa rồi. Chị phải đóng 2,5 triệu đồng, cao hơn tới vài trăm nghìn đồng so với những tháng trước.

Chị Nhi chia sẻ, gia đình chị đã giảm thời gian sử dụng các thiết bị làm mát nhưng tiền điện vẫn tăng cao. Nhà chị dùng quạt máy cho ban ngày, còn bật điều hòa từ 21h tối đến 5h sáng hôm sau. Các thiết bị điện khác như tivi, máy giặt, lò nướng, lò vi sóng… cũng hạn chế sử dụng.

Tương tự, bà Phạm Thị Hai (huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ) đã chuyển từ dùng bếp điện sang bếp củi để nấu ăn, giảm thời gian dùng điều hòa xuống còn 6 giờ mỗi ngày, thế nhưng hóa đơn tiền điện vẫn cao hơn bình thường. Bà bảo, so với 2 - 3 tháng trước, bà dùng điện tiết kiệm hơn nhưng hóa đơn tiền điện thì lại cao hơn vài chục nghìn đồng.

Không chỉ có bà Hai và chị Nhi, nhiều gia đình cũng lo ngại nắng nóng phải sử dụng điều hòa khiến hóa đơn tiền điện đội lên do đó đã chủ động tiết giảm các thiết bị điện khác trong nhà. Nhưng dường như, cách này không mang lại hiệu quả như nhiều người mong muốn.

Tại buổi tọa đàm Cung ứng điện mùa nắng nóng được tổ chức tại TP. Cần Thơ, ông Bùi Quốc Hoan - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty điện lực Miền Nam đã giải thích lý do tại sao nhiều gia đình tiết giảm thiết bị điện mà tiền điện vẫn tăng cao. Ông dẫn số liệu thống kê của các chuyên gia: Riêng điện năng tiêu thụ của điều hòa nhiệt độ chiếm từ 30 - 65%, có khi đến 80% tổng lượng điện tiêu thụ của một gia đình trong mùa nắng nóng.

Nguyên lý làm mát của thiết bị điều hòa là thời tiết ngoài trời càng nóng thì điện năng dùng để giảm nhiệt độ phòng sẽ càng cao. Ví dụ như nhiệt độ ngoài trời tăng lên 1 độ C, lượng điện tiêu thụ của điều hòa sẽ tăng từ 2 - 3% tùy loại. Nếu nhiệt độ tăng lên 5 độ C, tiêu thụ điện của điều hòa tăng 10%. Do đó, có thể cùng mức sử dụng 8 - 10 tiếng/ngày, nhưng điều hòa chạy trong nền thời tiết 35 - 40°C sẽ tốn điện hơn hẳn nền nhiệt độ khoảng 30 - 35°C.

Ngoài ra, lượng điện năng còn "âm thầm" bị tiêu thụ do thói quen sử dụng. Nếu hạ 1 độ C trên thiết bị điều hòa thì lại tốn thêm 1,5 - 2% lượng điện tiêu thụ. Những cũng là nguyên nhân chính khiến hóa đơn tiền điện tăng trong mùa nắng nóng.

tiet-kiem-dien-1-1711581065.jpg
Cán bộ điện lực hướng dẫn người dân cách sử dụng điện tiết kiệm

Để hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến, người dân cần ưu tiên lựa chọn các thiết bị điện trong gia đình có nhãn hiệu tiết kiệm năng lượng và nguồn gốc rõ ràng. Người dân nên sử dụng hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED thay cho các loại đèn thế hệ cũ. Song song với đó, người dân cần tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, thông gió và duy tu, sửa chữa, thay thế đường dây điện đã cũ để tránh rò rỉ điện.

Hiện nay, không chỉ khu vực Nam Bộ và Trung Bộ nắng nóng, nền nhiệt tại miền Bắc cũng đã tăng cao. Từ đầu năm 2024 đến nay, ảnh hưởng của chu kì El Nino đã khiến Nam Bộ nắng nóng sớm hơn. Thông thường, cao điểm mùa khô ở Nam Bộ diễn ra từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 5, nhưng năm nay xuất hiện nắng nóng ngay từ cuối tháng 1/2024 và có khả năng kéo dài thời gian hơn trung bình các năm trước.

Sau ảnh hưởng của El Nino, hết tháng 6, nước ta lại chịu tác động của La Nina, cũng làm cho nền nhiệt tăng cao. Điều này sẽ kéo theo điện tiêu thụ, sinh hoạt cũng tăng theo. Do vậy, người dân cần hình thành thói quen tiết kiệm điện, chứ không phải lúc nào trời nắng nóng thì mới làm.