Tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm khi xe máy phải kiểm định khí thải

Việc kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy còn giúp giảm 35,55% tổng lượng CO, 40% tổng lượng HC phát thải, từ đó nâng cao giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tại nước ta, giai đoạn 2005 - 2022, tăng trưởng xe máy đạt bình quân khoảng 9,1%/năm. Số lượng xe máy đã đăng ký trên toàn quốc hiện đạt khoảng 69,2 triệu xe. Số xe lưu hành đạt khoảng 45,5 triệu xe. Phương tiện giao thông chính tại nước ta vẫn chủ yếu là xem máy. Thống kê năm 2020, xe gắn máy, mô tô đang lưu hành tại Hà Nội chiếm 84%, TP. HCM chiếm 91% và Đà Nẵng chiếm 90% trong tổng số các loại hình phương tiện giao thông.

Giai đoạn 2025 - 2030, xe máy vẫn sẽ là loại hình vận tải cá nhân thông dụng, phổ biến. Tuy nhiên, đây cũng là phương tiện sinh khí thải lớn nhất ra môi trường tại các thành phố lớn.

xe-may-1-1719644885.png
Xe trên 10 năm tuổi có tỷ lệ phát thải rất lớn

Kết quả từ 3 chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy tại Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng cho thấy, xe máy trên 5 năm đã có xu hướng vượt tiêu chuẩn khí thải hiện hành, xe trên 10 năm có tỷ lệ phát thải rất lớn. Trong khi đó, tại cả 3 đô thị lớn trên, xe có tuổi đời trên 10 năm đều chiếm tỷ lệ hơn 50% tổng số xe mô tô, xe gắn máy. Cụ thể, tại Hà Nội là 72,58%, TP. HCM chiếm 68% và tại Đà Nẵng là trên 59%.

Nhưng Thạc sĩ Đinh Trọng Khang - Phó giám đốc Viện chuyên ngành Môi trường, Viện Khoa học công nghệ Giao thông vận tải cho hay có thể kiểm soát tốt lượng khí thải, giảm mức tiêu hao nhiên liệu của xe bằng bảo dưỡng định kỳ đúng khuyến cáo của nhà sản xuất.

Ví dụ, một xe máy di chuyển quãng đường trung bình 16,7km/ngày, tương đương với 6.095km/năm, tiêu thụ nhiên liệu trung bình 0,0236 lít/km. Nếu thực hiện bảo dưỡng định kỳ theo khuyến cáo, mức tiêu thụ nhiên liệu bình quân của mỗi xe tiết kiệm được 10,07 lít/năm. Tính trên toàn địa bàn Hà Nội với hơn 6,1 triệu xe máy, hàng năm lượng nhiên liệu tiết kiệm được là gần 62 triệu lít và tổng chi phí tiết kiệm ước tính hơn 1,8 nghìn tỷ đồng.

Việc kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy còn giúp giảm 35,55% tổng lượng CO, 40% tổng lượng HC phát thải, từ đó nâng cao giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đây đang là vấn đề nhức nhối tại các đô thị lớn của nước ta. Nhiều chuyên gia nhận định, để cải thiện tình trạng môi trường ô nhiễm hiện nay thì phải bắt đầu từ phát thải phương tiện giao thông, chủ yếu là xe máy.

xe-may-1719644885.jpeg
Xe mô tô, xe gắn máy sẽ phải thực hiện kiểm định khí thải từ ngày 1/1/2025

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó có nội dung xe mô tô, xe gắn máy sẽ phải thực hiện kiểm định khí thải từ ngày 1/1/2025. Điều 42 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định về đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT & BVMT) của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ nêu rõ: Việc kiểm định với xe gắn máy, xe mô tô chỉ thực hiện kiểm định khí thải.

Luật cũng quy định việc kiểm định khí thải thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, phải được thực hiện tại các cơ sở kiểm định khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Việc kiểm định ATKT & BVMT của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng do đăng kiểm viên của trung tâm đăng kiểm thực hiện và được nơi đây cấp giấy chứng nhận kiểm định.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải sẽ quy định trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại, tạm đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cho trung tâm kiểm định khí thải xe gắn máy, xe mô tô. Quy định về trình tự, thủ tục kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở vật chất kỹ thuật và vị trí cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông nhận định, việc kiểm định khí thải không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sống mà còn nâng cao nhận thức của người dân trong bảo dưỡng định kỳ phương tiện. Việc này giúp đảm bảo tiêu chuẩn khí thải phù hợp cũng như nâng cao chất lượng an toàn phương tiện, an toàn giao thông.