TikTok bắt đầu “cuống”, xin hoãn thời gian áp dụng lệnh cấm

Với hi vọng tổng thống đắc cử Donald Trump có thể giúp “cứu” ứng dụng khỏi lệnh cấm tại Mỹ do không chịu thoái vốn, TikTok đã đệ đơn yêu cầu hoãn lệnh cấm ứng dụng này để có thêm thời gian triển khai các biện pháp pháp lý tiếp theo.

Ngày 9/12, ByteDance – công ty mẹ của TikTok đã đệ đơn khẩn cấp lên Tòa án phúc thẩm quận Columbia (Mỹ) nhằm xin tạm dừng luật có thể yêu cầu công ty phải thoái vốn TikTok cho một công ty khác không phải của Trung Quốc trước ngày 19/1/2025, nếu không sẽ phải bị “cấm cửa” tại Mỹ.

Đáng lưu ý, chỉ sau thời điểm này 1 ngày (ngày 20/1/2024), tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ tổ chức buổi lễ nhậm chức và chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. Việc xin hoãn này có thể giúp công ty có thêm hi vọng thay đổi tình thế tại tòa án tối cao và sẽ được hỗ trợ “cứu” bởi ông Trump.

Bản đệ trình lên tòa án mới được đưa ra chỉ 3 ngày sau khi công ty này bị hội đồng gồm 3 thẩm phán tại tòa phúc thẩm thẩm liên bang quận Columbia bác bỏ yêu cầu ngăn chặn luật. Hội đồng nêu rõ rằng chính phủ Mỹ có “lý do chính đáng về an ninh quốc gia áp dụng cụ thể cho nền tảng mà TikTok vận hành”.

tik-1733809880.jpg
 

TikTok cho biết, họ sẽ tiếp tục khiếu nại lên tòa án tối cao. Tuy nhiên, thời gian ấn định của lệnh cấm (ngày 19/1/2025) đã tới rất gần. Luật sư của ByteDance và TikTok cho biết, triển vọng Tòa án tối cao sẽ thụ lý vụ án và “tỷ lệ đảo ngược đủ để đảm bảo cho việc tạm dừng (lệnh cấm) là cần thiết để có thêm thời gian cân nhắc”.

Công ty Trung Quốc cũng lưu ý rằng, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên thệ sẽ ngăn chặn lệnh cấm, lập luận rằng sự trì hoãn “sẽ cho chính quyền mới có thời gian để xác định lập trường của mình”.

Ông Trump, người đã từng không thành công trong nỗ lực cấm TikTok tại Mỹ ở nhiệm kỳ đầu tiên của mình (năm 2020), đã tuyên bố trước cuộc bầu tử tổng thống vào tháng 11 năm nay rằng ông sẽ không cho phép cấm TikTok. Cố vấn an ninh quốc gia mới của ông là Mike Waltz đã trả lời Fox Business Network rằng: “Tổng thống muốn cứu TikTok nhưng chúng ta cũng phải bảo vệ dữ liệu của mình”.

TikTok đã thuê luật sư kỳ cựu Noel Francisco, người từng giữ chức Tổng chưởng lý dưới thời ông Trump, làm đại diện pháp lý. Luật sư này nổi tiếng với việc bảo vệ thành công lệnh cấm nhập cảnh từ 6 quốc gia Hồi giáo, được kỳ vọng sẽ mang lại ưu thế pháp lý cho ByteDance trong vụ kiện mang tính lịch sử này.

TikTok cũng tiếp tục cảnh báo rằng phán quyết của tòa án sẽ làm gián đoạn "các dịch vụ dành cho hàng chục triệu người dùng TikTok bên ngoài nước Mỹ".

"Ước tính cho thấy các doanh nghiệp nhỏ trên TikTok sẽ mất hơn 1 tỷ USD doanh thu và những người sáng tạo sẽ phải chịu tổn thất gần 300 triệu USD thu nhập chỉ trong 1 tháng trừ khi Lệnh cấm TikTok bị dừng lại", TikTok cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai.

Công ty đã yêu cầu tòa phúc thẩm đưa ra quyết định trước ngày 16/12. Ngay cả khi không được chấp thuận thì đây vẫn chưa phải là kết thúc cho các thách thức pháp lý của công ty. Nếu Tòa án Tối cao thụ lý vụ kiện, TikTok sẽ có một cơ hội khác để cố gắng lật ngược lại tình thế.