Tình hình các ngân hàng sau một năm giải cứu Credit Suisse?

Một năm sau thương vụ ngân hàng UBS mua Credit Suisse, các nhà chức trách vẫn đang xem xét cách khắc phục những điểm yếu của người cho vay. Bên cạnh đó, hệ thống tài chính toàn cầu được đánh giá dễ “tổn thương” trước những biến động.

Trước đó, vào tháng 3/2023, giới chức của Thụy Sĩ đã chỉ đạo thực hiện thương vụ sáp nhập giữa UBS và Credit Suisse, đây là hai ngân hàng được đánh giá là lớn nhất nước này.

Lúc đó, Credit Suisse đang gặp khủng hoảng do phía nhà đầu tư lo ngại sức khỏe chung của các nhà băng sau hàng loạt vụ sụp đổ ngân hàng địa phương tại Mỹ. Cổ phiếu và trái phiếu của ngân hàng này bị bán tháo ồ ạt, tiền gửi liên tục bị rút ra. Để ngăn chặn nguy cơ sụp đổ, gây ảnh hưởng tới Thụy Sĩ và thế giới, ngân hàng UBS đã bỏ ra hơn 3 tỷ USD để mua lại Credit Suisse.

credit-suisse-1710838619.jpg

Cuộc khủng hoảng ngân hàng làm sụp đổ Credit Suisse (Ảnh minh họa)

Tháng 2/2024, Hội đồng Ổn định tài chính FSB – cơ quan giám sát tài chính hàng đầu thế giới đã cảnh báo Thụy Sỹ cần củng cố những quy định kiểm soát ngân hàng để đề phòng với các rủi ro trong tương lai. Hiện, UBS vẫn là một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới. Ở cuộc khủng hoảng này, các quy định được áp dụng sau khủng hoảng tài chính năm 2008 không phát huy được hiệu quả. Tình trạng rút tiền ồ ạt khỏi các ngân hàng vẫn diễn ra.

Từ sau năm 2008, quy định về tỷ lệ đảm bảo thanh khoản được đưa ra và trở thành chỉ số chính đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu tiền mặt của ngân hàng. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà băng cần có đủ tài sản để đáp ứng nhu cầu rút tiền mặt trong 30 ngày. Từ đây, giới chức châu Âu xảy ra tranh cãi, liệu có nên tăng tỷ lệ này không. Nếu tỷ lệ này được thông qua, các ngân hàng sẽ cần lượng tiền thanh khoản và gửi nhiều tài sản hơn ở ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, việc này cũng có thể khiến chi phí của các ngân hàng đội lên, lãi suất tăng.

Ngân hàng trung ương châu Âu cũng đã tăng kiểm tra thanh khoản của các ngân hàng và coi đây là vấn đề ưu tiên sau vụ giải cứu Credit Suisse.

Tại Thụy Sĩ, việc làm thế nào để cho vay khẩn cấp dễ dàng hơn là vấn đề đang gây tranh cãi. Trên thực tế, khi vay ngân hàng trung ương, các ngân hàng buộc phải thế chấp tài sản. Những tài sản này cần dễ định giá và bán trên thị trường tài chính. Đây cũng là việc làm nhằm bảo vệ người dân trong trường hợp các ngân hàng thương mại không thể hoàn trả. Năm ngoái, khi Credit Suisse bị rút tiền hàng loạt, ngân hàng này rơi vào tình trạng không đủ tài sản để thế chấp với SNB - Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ. Do đó, SNB buộc phải cho Credit Suisse vay tiền mặt mà không có tài sản đảm bảo.

Hiện nay, một số chuyên gia đang kêu gọi SNB mở rộng danh sách tài sản chấp nhận thế chấp. Trước thông tin này, SNB cho biết danh sách tài sản loại này sẽ được xem xét lại thường xuyên và trao đổi với các ngân hàng.

Dự kiến trong tuần tới, báo cáo kết quả điều tra vụ sụp đổ của Credit Suisse sẽ được Chính phủ Thụy Sĩ công bố.

Cựu thành viên hội đồng giám sát SNB – ông Cédric Tille nhận định "Chúng ta mới khắc phục được vấn đề trong ngắn hạn, đặt nền tảng để giải quyết vấn đề lớn hơn về dài hạn. UBS quá lớn".