Tòa phúc thẩm Mỹ bác đơn kháng cáo của TikTok chống lại việc phải thoái vốn

Một tòa án phúc thẩm liên bang Mỹ đã bác bỏ đơn thỉnh cầu của ByteDance nhằm lật ngược lại quy định phải thoái vốn khỏi TikTok. Các thẩm phán tiếp tục yêu cầu công ty phải bán TikTok cho một công ty không phải của Trung Quốc trước ngày 19/1 hoặc phải đối mặt với lệnh cấm tại quốc gia này.

Quyết định bác bỏ đơn thỉnh cầu của ByteDance được xem là một chiến thắng lớn cho Bộ Tư pháp Mỹ và những người phản đối ứng dụng do Trung Quốc sở hữu, đồng thời là một đòn giáng mạnh vào công ty mẹ của TikTok là ByteDance. Quyết định khiến cho hi vọng của ByteDance tại thị trường Mỹ càng trở nên xa vời, nhất là khi thời điểm ngày 19/1 đang đến gần.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết dưới quyền sở hữu của Trung Quốc, TikTok gây ra mối đe dọa vì có thể tiếp cận lượng lớn dữ liệu cá nhân của người Mỹ, khẳng định Trung Quốc có thể bí mật thao túng thông tin mà người Mỹ sử dụng thông qua TikTok. Tổng chưởng lý Merrick Garland gọi quyết định này là "một bước quan trọng trong việc ngăn chặn chính phủ Trung Quốc biến TikTok thành vũ khí".

t-1733550465.jpeg
tòa án phúc thẩm liên bang Mỹ đã bác bỏ đơn thỉnh cầu của ByteDance nhằm lật ngược lại quy định phải thoái vốn khỏi TikTok trước ngày 19/1/2025.

Phản đối quyết định này, công ty mẹ của họ là ByteDance lập luận rằng luật nhắm vào TikTok một cách không công bằng và lệnh cấm sẽ vi phạm quyền Tu chính án thứ nhất của người dùng. Công ty cho biết việc bán TikTok là không thể vì chính phủ Trung Quốc sẽ chặn nó. Vào năm 2020, quốc gia này đã cập nhật các quy tắc kiểm soát xuất khẩu công nghệ và những công ty hay ứng dụng như Bytedance và TikTok nằm trong phạm vi điều chỉnh của các quy tắc này.

Theo các chuyên gia, ByteDance sẽ kháng cáo lên Tòa án Tối cao Mỹ (mặc dù không có gì đảm bảo họ sẽ thụ lý vụ kiện) hoặc hy vọng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ thực hiện lời hứa mơ hồ là "thực hiện" kế hoạch cứu ứng dụng.

Tờ Newyork Time đưa tin, các chuyên gia không thấy nhiều con đường pháp lý để  ông Trump có thể "cứu" ứng dụng sau khi nhậm chức vào ngày 20/1/2025. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông đã ban hành các sắc lệnh hành pháp hạn chế các giao dịch của người Mỹ với ứng dụng, viện dẫn các lo ngại về an ninh quốc gia và cho rằng ứng dụng này có thể là một "con ngựa thành Troy" để chính phủ Trung Quốc thu thập dữ liệu. Lệnh cấm TikTok của ông Trump đã phải đối mặt với một loạt các thách thức pháp lý và Tổng thống Biden đã thu hồi lệnh này vào năm 2021.

Trước đó, Microsoft cũng đã thể hiện sự quan tâm tới việc thâu tóm ứng dụng này nếu có cơ hội. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, công ty không có phản hồi nào về vấn đề này.

Ông Trump đã đảo ngược lập trường của mình vào đầu năm 2024, được cho là sau khi gặp một nhà tài trợ lớn của Đảng Cộng hòa có cổ phần tài chính đáng kể trong ứng dụng này. Sự thay đổi của tổng thống đắc cử đã tăng cường sau khi ông Biden ký luật có thể dẫn đến lệnh cấm TikTok vào đầu năm 2025. Vào thời điểm mùa bầu cử đang diễn ra sôi nổi, ông Trump đã tự biến mình thành “vị cứu tinh” của TikTok và sử dụng nó như một vấn đề gây chia rẽ để thu hút người dùng trẻ tuổi vào chiến dịch của mình.