Tới 70% trẻ bị cận thị liên quan đến lối sống

Khoảng 70% cận thị ở trẻ em liên quan yếu tố lối sống sinh hoạt hàng ngày như nhìn gần kéo dài, sớm tiếp xúc các thiết bị điện tử... hay thói quen thường xuyên ngồi trong phòng, không ra ngoài trời sinh hoạt…

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, tỷ lệ mắc tật khúc xạ tại Việt Nam đáng báo động, nhất là nhóm học sinh, sinh viên tại các thành phố lớn. Tật khúc xạ gồm viễn, cận, loạn thị..., trong đó tỷ lệ cận thị chiếm cao nhất.

Cả nước hiện có đến hơn 3 triệu trẻ em mắc tật khúc xạ. Riêng độ tuổi 5-6, có 10 - 15% trẻ sống tại nông thôn và 20 - 40% ở thành thị bị cận thị. Sau đại dịch, tỷ lệ này tiếp tục tăng mạnh, cao nhất là ở Hà Nội và TP. HCM với dự đoán có thể lên tới 50 - 70% ở học sinh.

Một số khảo sát tại TP. HCM cho thấy, tỷ lệ cận thị ở trẻ nội thành cao hơn ngoại thành. Học sinh cấp 2 và cấp 3 mắc cận thị nhiều hơn cấp 1. Đặc biệt, học sinh trường chuyên có tỷ lệ cận thị cao hơn các trường khác.

can-thi-1-1714954137.jpg
Sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều có thể gây cận thị ở trẻ

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tật khúc xạ mắt có liên quan đến yếu tố di truyền và thói quen sinh hoạt, dinh dưỡng. Ngoài lý do bữa ăn thiếu vi chất dinh dưỡng, ít tham gia vận động sinh hoạt ngoài trời, môi trường ánh sáng chưa phù hợp thì lạm dụng thiết bị điện tử trong thời đại số cũng là yếu tố dẫn đến tật khúc xạ.

Bác sĩ Bùi Thị Thu Hương - Giám đốc Chuyên môn tại Bệnh viện Mắt Quốc tế Việt - Nga (TP. HCM) cho biết, cận thị bẩm sinh (di truyền) chiếm khoảng 30%. Dị tật này rất khó phòng tránh và kiểm soát nếu trẻ không được khám sàng lọc hoặc chủ động đến các cơ sở chuyên khoa mắt khám.

70% các ca cận thị ở trẻ còn lại liên quan lối sống sinh hoạt hàng ngày như nhìn gần kéo dài, sớm tiếp xúc các thiết bị điện tử... hay thói quen thường xuyên ngồi trong phòng, không ra ngoài trời sinh hoạt. "Các thói quen trên khiến cho cho mắt liên tục điều tiết ở cự ly gần, là nguyên nhân dẫn đến cận thị", bác sĩ Hương cho hay.

Các dấu hiệu thường thấy ở người lớn bị cận thị là nhìn mờ khi vật ở xa, nheo mắt để nhìn, khó nhìn trong điều kiện thiếu sáng... Riêng trẻ em có xu hướng và tiến sát đến gần ti vi để xem, ngại các hoạt động phải nhìn xa, cúi sát mặt khi nhìn sách, điện thoại... Trẻ thường kêu mỏi mắt, nhức đầu, chảy nước mắt.

can-thi-1714954137.png
Một ca mổ cận thị tại bệnh viện (Ảnh: Tuấn Dũng)

Hiện nay, có rất nhiều các phương pháp biện pháp giúp trẻ cận thị có được thị lực tốt để học tập, sinh hoạt và phát triển như đeo kính áp tròng, kính gọng phân kỳ hoặc phẫu thuật. Phẫu thuật cũng có nhiều phương pháp như Femto, Smile Lasik, Smile Pro...

Sau 18 tuổi, bệnh nhân có thể tiến hành mổ cận. Bác sĩ sẽ căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để tư vấn và đưa ra phương pháp phẫu thuật phù hợp nhất. Để phòng chống, các bác sĩ lưu ý mọi người thực hiện quy tắc học 20 phút thì cho mắt nhìn ra xa trong 20 giây. Hạn chế tiếp xúc thiết bị điện tử cầm tay, không sử dụng quá gần mắt.

Cả người trưởng thành lẫn trẻ em khi mắc tật khúc xạ không nên chủ quan bởi những hệ quả và rủi ro bệnh lý này mang lại. Với người lớn, ngoài gây bất tiện trong sinh hoạt khi không nhìn rõ, tật khúc xạ nặng hay bất đồng khúc xạ có thể gây nhược thị, mất chức năng thị giác, hoặc cận thị nặng có nhiều nguy cơ gây bong, rách võng mạc, đục thủy tinh thể sớm, glaucoma, xuất huyết hoàng điểm... thậm chí gây mù lòa. Với trẻ, các em có thể giảm hiệu quả tiếp thu bài vở, đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi… do nhìn mờ nhiều trong thời gian dài.