Ông Antonio Guterres cho biết: “việc lạm dụng công nghệ kỹ thuật số ngày càng tinh vi và lén lút hơn, phần mềm độc hại, trình xóa đang sinh sôi nảy nở”, các hoạt động mạng được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm gia tăng các mối đe dọa.
Tổng Thư ký Guterres còn cảnh báo Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc rằng “điện toán lượng tử có thể phá vỡ toàn bộ hệ thống nhờ khả năng vi phạm mã hóa”.
Về mặt tích cực, ông Guterres ghi nhận việc những tiến bộ kỹ thuật số “đang cách mạng hóa nền kinh tế và xã hội”, không chỉ gắn kết mọi người lại với nhau mà còn cung cấp tin tức, thông tin và giáo dục, đồng thời cho phép công dân tiếp cận các dịch vụ và tổ chức của chính phủ.
Tuy nhiên, ông cho rằng khả năng kết nối tức thì mang lại lợi ích to lớn cũng đang khiến người dân, các tổ chức và chính phủ dễ bị tổn thương.
Ông Guterres thể hiện sự e ngại khi các sự cố an ninh mạng đã trở nên “phổ biến một cách đáng lo ngại” từ sự gián đoạn đối với các dịch vụ y tế, ngân hàng và viễn thông đến “hoạt động bất hợp pháp không ngừng” bao gồm cả các tổ chức tội phạm và cái gọi là “lính đánh thuê mạng”.
Tổng thư ký LHQ cũng chỉ ra “một đội quân buôn bán thù hận đang gieo rắc nỗi sợ hãi và chia rẽ trên siêu xa lộ thông tin” cũng như việc ngày càng nhiều những vụ việc sử dụng không gian mạng làm vũ khí trong các cuộc xung đột. Ông nói: “Sự tích hợp ngày càng tăng của các công cụ kỹ thuật số với hệ thống vũ khí, bao gồm cả hệ thống tự động, gây ra những lỗ hổng mới. Ông cho rằng các lỗ hổng phần mềm đang bị khai thác và các cách để đạt được điều này thậm chí còn được rao bán trên Internet.
“Ransomware là một ví dụ điển hình – một mối đe dọa lớn đối với các tổ chức công cộng và tư nhân cũng như cơ sở hạ tầng quan trọng mà mọi người phụ thuộc vào. Theo một số ước tính, tổng số tiền thanh toán cho ransomware đạt 1,1 tỷ USD vào năm 2023”, Tổng Thư ký LHQ trích dẫn.
Tuy nhiên, người đứng đầu Liên Hợp Quốc cho biết ngoài những chi phí này, những cuộc xâm nhập như vậy còn tác động đến hòa bình, an ninh và ổn định trong và giữa các quốc gia. Ông nói: “Hoạt động tấn công mạng làm suy yếu các thể chế công, quy trình bầu cử và tính liêm chính trực tuyến, gây xói mòn lòng tin, gây căng thẳng và thậm chí gieo mầm mống bạo lực cũng như xung đột”.
Ông Guterres đã kêu gọi các nỗ lực toàn cầu để đảm bảo rằng không gian mạng và AI được quản lý nhằm đảm bảo chúng hướng tới việc thúc đẩy hành vi có trách nhiệm đối với các công nghệ này. Ông đã mời các nhà lãnh đạo của 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc tham dự Hội nghị thượng đỉnh về tương lai trong cuộc họp mặt thường niên của họ tại Đại hội đồng vào cuối tháng 9. Ông nói với hội đồng rằng đây “là cơ hội quan trọng để hỗ trợ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế trong không gian mạng”.
Tổng Thư ký LHP hoan nghênh việc Đại hội đồng xem xét “khả năng áp dụng luật pháp quốc tế đối với các hoạt động của nhà nước trong lĩnh vực này” và nỗ lực đạt được sự đồng thuận về một hiệp ước tội phạm mạng mới trong những tháng tới “cần tăng cường hợp tác đồng thời bảo vệ nhân quyền trực tuyến”.