Mới đây, trong buổi phát động "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024", Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm TP. HCM đã nhấn mạnh việc cần tiếp tục đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP. HCM cho biết, TP. HCM là đầu mối sản xuất, kinh doanh thực phẩm chế biến và nông sản nên công tác bảo đảm an toàn thực phẩm luôn phải đặt ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt, tháng 4 và 5 là cao điểm cả về nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ cao về an toàn thực phẩm, có thể dẫn tới những đợt ngộ độc thực phẩm tập thể.
Bà Lan cho hay, không chỉ vấn đề môi trường mà hiện nay có nhiều yếu tố khác tác động trực tiếp tới an toàn thực phẩm như việc lựa chọn thực phẩm và ý thức của những người tham gia sản xuất thực phẩm. Những yếu tố này có thể dẫn tới nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm tập thể... không chỉ ở riêng TP. HCM mà còn trên cả nước.
Theo bà Lan, Sở An toàn thực phẩm TP. HCM đã có kế hoạch kiểm tra tại 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức. Các đoàn kiểm tra sẽ được thành lập từ các cơ quan liên quan như: Quản lý thị trường, cảnh sát môi trường, công an kinh tế… Cụ thể, kế hoạch tháng cao điểm hành động vì an toàn thực phẩm sẽ tập trung vào 3 mảng hoạt động chính.
Thứ nhất, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra các ngành, các cấp. Thứ hai, tiến hành phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vi phạm. Tăng cường thanh kiểm tra đột xuất các bếp ăn tập thể, căn tin trong trường học, công ty, bệnh viện, doanh nghiệp, khu chế xuất... Đặc biệt, những bếp ăn tập trung nhiều người cần đạt chuẩn với các quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm. Bất cứ giá nào cũng không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Thứ 3, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là người tiêu dùng và người hành nghề. Cần nâng dần ý thức của người dân, lo lắng tới vấn đề an toàn thực phẩm là tự lo cho mình và gia đình.
Chị Nguyễn Thanh Phương (Bình Thạnh, TP. HCM) cho biết, chị có 2 con đang theo học tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Bình Thạnh. Cả 2 con đều học bán trú nên chị cũng rất quan tâm đến bữa cơm trưa tại trường. Dù nhà trường có gửi thông tin về bữa trưa bán trú của con tới phụ huynh, nhưng mỗi ngày con đi học về, chị đều khơi gợi để hỏi con xem bữa trưa ăn món gì, con có thích hay không…
Câu trả lời của con có thể là hôm nay thích ăn món này, không thích món kia, nhưng từ cuộc trò chuyện với con, chị cũng phần nào nắm bắt được tình hình bữa trưa của con.
Chị Trần Thu Thủy (quận 3, TP. HCM) cho biết, chị từng đấu tranh với nhà trường nơi con trai đang theo học về bữa ăn bán trú. Ban đầu, một phụ huynh trong lớp của con chị chia sẻ lên nhóm phụ huynh hình ảnh bữa ăn trưa của các con. Nhận thấy chất lượng bữa ăn trưa không đảm bảo, cần phải thay đổi ngay, chị Thủy và vài phụ huynh trong lớp đã bí mật để con mang điện thoại tới trường để chụp ảnh lại thực tế bữa ăn. Khi đã có thông tin chính xác, đại diện phụ huynh trong lớp con chị Thủy đã trao đổi trực tiếp với hiệu trưởng trường.
Chị Thủy bộc bạch, chuyện này cũng mất thời gian cả tháng để giải quyết nhưng cuối cùng nhà trường đã tiếp thu và giám sát sát sao hơn chất lượng bữa ăn bán trú. Chị Thủy bảo, trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, nếu bữa ăn không đủ chất hay không đảm bảo ăn toàn thực phẩm thì rất đáng lo ngại. Mới đây, chị đọc được thông tin phụ huynh một trường tiểu học tại Huế đóng 27.000 đồng/suất ăn bán trú của con, gồm 1 bữa ăn trưa và một bữa nhẹ là một hộp sữa chua vào đầu buổi chiều. Tuy nhiên, phần cơm trưa của các học sinh khối lớp 3 của trường vào ngày 11/4 chỉ lèo tèo 2 - 3 khúc sườn heo luộc, 1 miếng chả trứng chiên, đậu cove xào và cơm trắng. Một bữa ăn cho trẻ như thế là rất đáng lo ngại.
Là một phụ huynh có con đang học tiểu học, chị rất ủng hộ việc Sở An toàn thực phẩm TP. HCM kiểm tra đột xuất các bếp ăn tại trường học. Hoạt động này không chỉ giám sát các trường đảm bảo an toàn, chất lượng bữa ăn bán trú mà còn giúp cha mẹ phụ huynh yên tâm.