TP. HCM: Cấp thẻ căn cước cho trường hợp đặc biệt để "không ai bị bỏ lại phía sau"

Bà Điệp bảo, cuộc đời bà gắn với "3 không": Không người thân, không nhà cửa, không giấy tờ tùy thân. Từ khi vào cơ sở bảo trợ xã hội, bà Điệp được hỗ trợ làm giấy khai sinh, mua thẻ bảo hiểm y tế, được chăm sóc và hưởng nhiều quyền lợi đặc biệt. Nhờ thế, bà mới biết được sự quan trọng của việc có giấy tờ tùy thân.

Không cần giấy xác nhận cư trú

Chiều 15/8, tại buổi họp báo kinh tế - xã hội, đại diện Công an TP. HCM đã giải đáp một số thắc mắc liên quan đến phản ánh công an phường ở TP. Thủ Đức yêu cầu giấy xác nhận cư trú khi làm thẻ căn cước mới, không nhận hồ sơ trực tiếp.

Theo đó, Thượng tá Nguyễn Thăng Long - Phó trưởng phòng Tham mưu Công an thành phố cho biết, đơn vị đã chỉ đạo kiểm tra cụ thể trường hợp nêu trên để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn nói chung.

lam-can-cuoc-1-1723783177.jpg
Thượng tá Nguyễn Thăng Long - Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP. HCM (Ảnh: Nguyên Vũ/Thanh Niên)

Thượng tá Nguyễn Thăng Long thông tin thêm, người dân có nhu cầu cấp thẻ căn cước thì có thể đến Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội công an cấp huyện hoặc Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP. HCM để làm. Nếu thông tin cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã đầy đủ, người dân không cần xuất trình thông báo định danh cá nhân hay xác nhận cư trú khi làm thẻ căn cước mới.

Thực hiện Đề án 06/2022 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030), ngành Công an thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân làm thủ tục trực tuyến hoặc qua ứng dụng VNeID.

Với trường hợp người dân không thể nộp hồ sơ trực tuyến, cán bộ công an vẫn tiếp nhận hồ sơ trực tiếp. Cùng với đó, Công an TP. HCM đã yêu cầu công an các đơn vị, địa phương bố trí lực lượng tại trụ sở để hỗ trợ, hướng dẫn người dân cách thức nộp hồ sơ trực tuyến và trên ứng dụng VNeID.

lam-can-cuoc-1723783177.jpg
Người dân có thông tin cá nhân đầy đủ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì không cần xác nhận cư trú khi làm thẻ căn cước mới

Làm căn cước cho những người đặc biệt

Đại diện Công an TP. HCM, ngoài những người dân có nhu cầu thì đơn vị cũng đến tận nơi làm thẻ căn cước cho những trường hợp đặc biệt. Sau hơn 1 năm triển khai và thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, Công an TP. HCM đã cấp gần 2.000 thẻ căn cước công dân và thẻ căn cước cho các nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn.

Như vào ngày 4/8 vừa qua, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP. HCM phối hợp với Bộ Công an, Sở Lao động Thương binh Xã hội tổ chức cấp thẻ căn cước cho 117 nhân khẩu đặc biệt đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Cơ sở bảo trợ xã hội người tàn tật Hiệp Bình Chánh (phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức).

Người làm thẻ căn cước chỉ cần đọc tên để cán bộ công an tra cứu dữ liệu, sau đó tiến hành chụp ảnh, lăn dấu vân tay, thu thập mống mắt. Toàn bộ quá trình làm thẻ căn cước cho mỗi nhân khẩu đặc biệt tại đây diễn ra rất nhanh, chưa tới 5 phút.

Cơ sở bảo trợ này hiện nuôi dưỡng, chăm sóc cho 205 nhân khẩu đặc biệt. Trong đó, rất nhiều người không có giấy tờ tùy thân, gây khó khăn trong quá trình sinh hoạt, thực hiện các thủ tục hành chính.

lam-can-cuoc-2-1723783177.jpg
Cán bộ công an xuống tận nơi làm để làm căn cước cho những trường hợp đặc biệt (Ảnh: Thúy Liễu/Thanh Niên)

Bà Trần Thị Điệp (69 tuổi, quê Bến Tre) xúc động chia sẻ, đời bà chỉ có một mình, không có giấy tờ gì hết. Bà sinh ra trong một gia đình nghèo ở Bến Tre. Bố mẹ mất sớm nên đến tuổi thiếu niên, bà theo chân những người hàng xóm lên TP. HCM để mưu sinh. Cuộc sống chốn thị thành không dễ dàng như bà đã tưởng.

Bà Điệp bảo, cuộc đời bà gắn với "3 không": Không người thân, không nhà cửa, không giấy tờ tùy thân. May mắn, bà gặp được một người hảo tâm nhận làm chị em kết nghĩa rồi đưa về sống cùng tại quận 4. Tuy nhiên, bà tuổi cao, sức yếu, lại mắc căn bệnh tiểu đường nặng, sợ thành gánh nặng của người chị kết nghĩa nên đã xin vào Cơ sở bảo trợ xã hội người tàn tật Hiệp Bình Chánh.

Từ khi vào cơ sở bảo trợ xã hội, bà Điệp được các cán bộ hỗ trợ làm giấy khai sinh, mua thẻ bảo hiểm y tế, được chăm sóc và hưởng nhiều quyền lợi đặc biệt. Nhờ thế, bà Điệp mới biết được sự quan trọng của việc có giấy tờ tùy thân. Thế nên, lần này nghe tin cán bộ công an xuống tận cơ sở để thu thập hồ sơ làm thẻ căn cước, bà Điệp đã rất mong chờ. Dù phải xếp hàng chờ đợi, ưu tiên cho nhiều trường hợp yếu thế khác, nhưng bà Điệp cho biết không thấy mệt mỏi hay phiền lòng.

Trước đó, nhiều người đang điều trị tại Trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần TP. Thủ Đức (thuộc Sở Lao động Thương binh Xã hội) cũng đã được các cán bộ công an xuống tận nơi làm thẻ căn cước.

Đại diện PC06 Công an TP. HCM cho biết, việc tổ chức, thực hiện công tác thu thập dữ liệu dân cư, cấp định danh cá nhân, giải quyết cư trú và cấp thẻ căn cước với trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn nhằm đạt mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau".