TP. HCM: Chỉ đạo ứng phó nắng nóng, thiếu nước và xâm nhập mặn

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra vào mùa khô năm nay, UBND TP. HCM yêu cầu các sở, ban, ngành, các quận, huyện và TP. Thủ Đức thực hiện nghiêm túc phương án về phòng, chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp.

UBND TP. HCM vừa chỉ đạo các sở, ban ngành, đơn vị và một số địa phương về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn năm 2024 trên địa bàn.

nang-nong-tp-hcm-1-1714435702.jpg
TP. HCM yêu cầu thực hiện nghiêm phương án về phòng, chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn 

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cảnh báo, từ tháng 4 - 6 năm nay, trạng thái El Nino có xu hướng chuyển sang pha trung tính, sau đó chuyển sang LaNina khoảng tháng 6 - 8 và có xu hướng tăng nhanh.

El Nino dùng để chỉ hiện tượng nóng lên không bình thường của lớp nước mặt thuộc vùng biển xung quanh đường xích đạo ở trung tâm và bờ Đông Thái Bình Dương, kéo dài từ 3 mùa trở lên. El Nino được gọi là "pha nóng".

Ngược với El Nino, La Nina dùng để chỉ hiện tượng lạnh đi không bình thường của lớp nước mặt xung quanh đường xích đạo ở trung tâm và bờ Đông Thái Bình Dương, cũng kéo dài từ 3 mùa trở lên. La Nina là "pha lạnh".

Khi ở hình thái El Nino, thời tiết ít mưa hơn, thường xảy ra hạn hán. Còn trong năm La Nina, ổ bão dịch chuyển nên nhiều bão hơn, mưa nhiều hơn so với những năm bình thường.

Khi ở pha trung tính, nhiệt độ mặt nước biển ở trạng thái nằm giữa "pha nóng" và "pha lạnh", tức là trạng thái thời tiết bình thường. Tuy nhiên, khái niệm bình thường không có nghĩa là không có thiên tai.

Trở lại với hình thái thời tiết Nam Bộ, lượng mưa từ tháng 4 - 5 năm nay thấp hơn lượng mưa trung bình nhiều năm, trong khi nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm. Số liệu mặn đo đạc ghi nhận thực tế trong tháng 3 cho thấy, trạm mũi Nhà Bè có độ mặn cao nhất là 12,8%, lớn hơn độ mặn cao nhất của tháng 3/2023 và quý I/2023. Thời gian tới, độ mặn được dự báo tại các vị trí khảo sát trên nhiều kênh, rạch chính có xu hướng giảm dần.

nang-nong-tp-hcm-1714435702.jpg
Nắng nóng tại TP. HCM kéo dài từ ngay sau Tết Nguyên đán tới nay

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra do nắng nóng, thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô năm nay, UBND TP. HCM yêu cầu các sở, ban ngành, các quận, huyện và TP. Thủ Đức thực hiện nghiêm túc phương án về phòng, chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp.

Các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến về thiên tai, thời tiết cực đoan, nhất là nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn. Cơ quan chuyên môn kiểm kê, nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống nắng nóng, thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn của địa phương phù hợp với tình hình thực tế.

Các quận, huyện và TP. Thủ Đức xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt để chủ động xây dựng giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. HCM chịu trách nhiệm theo dõi, dự báo chuyên ngành về nguồn nước, xâm nhập mặn, cung cấp thông tin cho TP. Thủ Đức, các quận, huyện và người dân vùng ảnh hưởng. Đồng thời phối hợp với các đơn vị quản lý, khai thác những công trình thủy lợi để vận hành hiệu quả các hệ thống công trình thủy lợi giúp điều phối nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất và đẩy mặn khi có tình huống bất lợi xảy ra.

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn triển khai những giải pháp ứng phó nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.

Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần ưu tiên bố trí kinh phí để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa công trình phục vụ cấp nước, kiểm soát nguồn nước, các công trình thủy lợi.

Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan truyền thông cùng các địa phương tăng cường phổ biến, hướng dẫn cho người dân những biện pháp chủ động bảo vệ sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh mùa nắng nóng, nhất là trong những ngày nắng nóng gay gắt kéo dài.