TP. HCM chính thức giảm hạn mức đất ở tại nhiều khu vực

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường vừa ký quyết định mới về hạn mức giao đất ở cho cá nhân tại nông thôn và đô thị trên địa bàn TP.HCM, theo Luật Đất đai năm 2024.

Theo đó, những cá nhân thuộc diện và đáp ứng điều kiện sẽ được giao đất ở tại nông thôn và đô thị theo 3 hạn mức tương ứng với 3 khu vực.

Hạn mức đất ở tối đa chỉ còn 250m2

Cụ thể, các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và TP Thủ Đức không vượt quá 160m2/cá nhân.

Thị trấn và các khu vực đã triển khai dự án xây dựng đô thị mới tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ không quá 200m2/cá nhân. Các xã thuộc các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ không quá 250m2/cá nhân.

Quy định mới này thay thế cho Quyết định số 18/2016 của UBND TP.HCM về hạn mức giao đất ở. Theo Quyết định 18/2016, UBND thành phố đã giao đất ở cho cá nhân tự xây nhà theo 4 hạn mức gồm 160m2, 200m2, 250m2, và 300m2, tương ứng với các khu vực khác nhau trên địa bàn thành phố.

Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất điều chỉnh giảm diện tích hạn mức công nhận đất ở và thu hẹp phạm vi áp dụng theo từng diện tích cho từng đơn vị hành chính. Cụ thể, hạn mức đất ở tại TP.Thủ Đức và các quận 7, 12, Bình Tân được đề xuất giảm từ 200m2 xuống tối đa 160m2/hộ.

han-muc-dat-o-1-1727743001.jpg

Những cá nhân thuộc diện và đáp ứng điều kiện sẽ được giao đất ở tại nông thôn và đô thị theo 3 hạn mức tương ứng với 3 khu vực

Đối với các khu dân cư nông thôn thuộc các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ, hạn mức đất ở đề xuất giảm từ 300m2 xuống không quá 250m2/hộ. Riêng các thị trấn thuộc 5 huyện ngoại thành, hạn mức đất ở vẫn giữ nguyên ở mức tối đa 200m2/hộ.

Lý giải nguyên nhân đề xuất này, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay, tốc độ đô thị hóa tại quận 7, quận 12, Bình Tân và TP.Thủ Đức đang diễn ra rất mạnh mẽ, với sự phát triển về nhà ở tương tự như tại các quận 6, 8, Gò Vấp, Bình Thạnh. Mật độ và quỹ đất xây dựng nhà ở tại các khu quy hoạch phát triển đô thị ở các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ cũng không hề kém cạnh, thậm chí còn cao hơn so với các thị trấn thuộc những huyện này.

Nhu cầu sử dụng đất ở để xây nhà tại tất cả các khu vực trên địa bàn TP.HCM hiện rất cao, nhưng quỹ đất ở chưa được công nhận còn lại là rất thấp. Theo Luật Đất đai mới, những trường hợp sử dụng đất trước ngày 18/12/1980 và từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 15/10/1993, khi được công nhận quyền sử dụng đất ở, sẽ không phải nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích đất ở trong hạn mức.

Vì vậy, việc quy định hạn mức công nhận đất ở quá cao và áp dụng trên nhiều đơn vị hành chính, ngoài các lý do đã nêu, có thể làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, sau đó cơ quan này lại đề xuất giữ nguyên hạn mức đất ở cho các hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn thành phố như quy định hiện hành để tránh xáo trộn cuộc sống của ngườ dân, giảm những vướng mắc liên quan đến bồi thường đất ở khi Nhà nước thu hồi đất.

Không quá ảnh hưởng đến đời sống người dân

Theo một lãnh đạo UBND huyện Nhà Bè, mặc dù là huyện ngoại thành, nhưng quá trình đô thị hóa ở đây diễn ra rất nhanh do quy hoạch đã phủ gần như toàn bộ địa bàn. Những người thuộc diện được hưởng hạn mức ưu tiên gần như đã sử dụng hết quyền lợi, còn thế hệ mới nên tuân thủ quy định mới.

Do đó, việc giảm hạn mức đất ở sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người dân. Vị lãnh đạo này cũng cho biết thêm, theo quy định mới, phần diện tích vượt hạn mức, người dân sẽ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính bằng cách áp dụng bảng giá đất nhân với hệ số K.

han-muc-dat-o-1727743063.jpeg

Việc giảm hạn mức đất ở không quá ảnh hưởng đến đời sống người dân

Trong khi đó, đa số người dân ở huyện Nhà Bè hiện nay đều phải nộp tiền sử dụng đất ngoài hạn mức, trừ những trường hợp người dân sống lâu năm chưa từng làm giấy chứng nhận lần nào, nhưng con số này rất ít.

Đồng tình quan điểm này, ông Phạm Ngọc Liên - nguyên Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM lý giải, hạn mức được tính nhằm xác định tiền sử dụng đất khi người dân chuyển đổi mục đích sử dụng từ các loại đất khác sang đất ở và để tính tiền khi giao đất.

Tuy nhiên, hiện tại quỹ đất còn lại không nhiều nên số lượng giao đất cũng giảm, và các trường hợp người dân làm giấy chứng nhận lần đầu cũng không còn nhiều. Theo thống kê, đến cuối năm 2023, TP.HCM đã cấp được gần 1,6 triệu giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân, đạt tỷ lệ 99,19%. Điều này cho thấy phần lớn người dân làm giấy chứng nhận lần đầu đã được hưởng chính sách ưu đãi về hạn mức và đóng tiền sử dụng đất theo bảng giá đất.

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Property Guru Việt Nam, cũng đồng tình và cho rằng, việc điều chỉnh hạn mức đất ở sẽ mang lại lợi ích cho quy hoạch đô thị, đồng thời giúp phân bổ đất đai một cách công bằng hơn. Việc giảm diện tích đất ở không chỉ tăng nguồn thu cho nhà nước mà còn nâng cao giá trị sử dụng đất.