Vì sao TP. HCM vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng rác thải tồn đọng?

Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị TP. HCM cho biết, xuất hiện các bãi rác tự phát và điểm tồn đọng rác thải trên địa bàn chủ yếu bắt nguồn từ ý thức giữ vệ sinh của người dân. Nhiều người chỉ chú trọng thu gom rác trong khuôn viên nhà ở của mình mà không ý thức được trách nhiệm dọn dẹp nơi công cộng.

Ngăn chặn tình trạng đổ rác sai quy định

Chủ tịch UBND TP. HCM vừa có văn bản yêu cầu UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện tập trung rà soát và xử lý triệt để những điểm ô nhiễm do rác thải tồn đọng trên các tuyến đường, kênh rạch và tại những khu vực công cộng. Đồng thời, yêu cầu tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính nhằm ngăn chặn tình trạng đổ rác sai quy định của các cá nhân, tổ chức.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần đánh giá năng lực vận chuyển rác thải của các nhà thầu theo hợp đồng hiện tại so với tình hình thực tế phát sinh rác thải trên địa bàn các quận, huyện. Từ đó, cần xây dựng phương án dự phòng cho các tình huống ứ đọng rác như tăng cường phương tiện vận chuyển từ các đơn vị khác, đầu tư mua sắm thêm phương tiện hoặc triển khai phương án trung chuyển tạm qua các trạm trung chuyển liên quận - huyện.

ton-dong-rac-1-1732879730.jpg
Chủ tịch UBND TP. HCM vừa có văn bản yêu cầu xử lý triệt để điểm ô nhiễm do rác thải tồn đọng trên các tuyến đường, kênh rạch

Căn cứ vào tình hình thực tế về chất thải rắn sinh hoạt, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện sẽ điều chỉnh khối lượng dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải (tăng hoặc giảm) với các hợp đồng cung cấp dịch vụ liên quan, phù hợp với phân cấp của UBND thành phố.

Sở Giao thông Vận tải sẽ chủ trì, phối hợp với Công an TP. HCM để tăng cường lực lượng, tổ chức phân luồng giao thông, điều phối các tuyến đường vận chuyển rác nhằm giảm thiểu tình trạng kẹt xe tại các điểm nóng và trong các lộ trình vận chuyển rác về nhà máy xử lý.

Ngoài ra, cần rà soát và nghiên cứu cơ chế hỗ trợ linh hoạt cho các phương tiện vận chuyển rác trong giờ cao điểm, thời điểm kẹt xe, để đảm bảo rác được vận chuyển kịp thời đến các nhà máy xử lý và trạm trung chuyển.

Sở Tài nguyên Môi trường cũng được giao phối hợp với UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện để tăng cường công tác giám sát vệ sinh môi trường tại các trạm trung chuyển và điểm tập kết rác nhằm ngăn chặn tình trạng rác thải chưa được thu gom hoặc vận chuyển kịp thời, các phương tiện thu gom không đậy kín hoặc để rơi vãi nước rỉ rác ra đường.

Còn Sở Khoa học Đầu tư sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu và tham mưu bổ sung kinh phí cho Quỹ Bảo vệ môi trường để hỗ trợ các dự án vay mua mới và chuyển đổi phương tiện thu gom rác sinh hoạt trên địa bàn thành phố.

Ứ đọng rác từ ý thức người dân còn kém

Thực tế, tình trạng tồn đọng rác trên đường tại TP. HCM đã diễn ra lâu nay, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị. Như báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường vào tháng 10 vừa qua, thành phố còn 92 điểm tồn đọng rác thải.

ton-dong-rac-1732879730.jpg
TP. HCM vẫn còn nhiều điểm tồn đọng rác thải trên đường

Điển hình, tại đường Tố Hữu ở quận Bình Thạnh (cạnh Học viện Cán bộ TP. HCM), lượng rác thải tồn đọng kéo dài khoảng 200m. Trước nay, phía cuối đường Tố Hữu có một bãi tập kết rác. Mỗi ngày có hàng chục xe rác chở từ các nơi của quận Bình Thạnh dồn về đây, rồi đợi xe chuyên dụng chở đi xử lý. Nhưng vào cuối tháng 10, việc trung chuyển rác đến nơi xử lý chậm trễ dẫn đến lượng rác dồn ứ rất lớn. Phải tới khi báo chí vào cuộc phản ánh, ngày 23/10, điểm tồn đọng rác này mới được xử lý. Số lượng rác được chuyển đi lên tới 100 tấn.

Hay tại chân cầu Tham Lương, giáp ranh giữa quận Tân Bình và quận 12, các đống rác lớn đã tồn tại lâu ngày mà không được xử lý. Một điểm tồn đọng khác tại khu vực cầu Phú Mỹ, trên đường Võ Chí Công thuộc phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức. Rác thải dọc theo ven đường đã không được thu gom trong thời gian dài. Trên đường Tố Hữu thuộc phường An Khánh, khu đất dự án chưa xây dựng, cỏ mọc um tùm và rác thải vương vãi hai bên đường. Thỉnh thoảng có nhân viên vệ sinh đến thu gom rác, nhưng rồi tình trạng này lại tái diễn.

Tại khu vực bờ kênh Tham Lương, đầu đường số 18 (M1 và CN1) thuộc Khu công nghiệp Tân Bình, đống rác lớn đã tích tụ lâu ngày, gây mùi hôi thối ngay cạnh điểm dừng đèn tín hiệu giao thông, rác và nước thải từ rác tràn ra đường. Trước đây, khu vực này từng là nơi buôn bán tự phát, gây mất trật tự và ô nhiễm, nhưng sau khi được chính quyền xử lý, nơi đây lại trở thành điểm tập kết rác.

Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND phường đã phối hợp với Công ty Môi trường Đô thị TP. HCM (chi nhánh Gia Định) thực hiện 15 đợt ra quân với 706 người tham gia tổng vệ sinh môi trường, thu gom khoảng 148,3 tấn rác. Riêng tại điểm tồn đọng rác đầu đường số 18 KCN Tân Bình, đã thực hiện 5 đợt ra quân thu gom khoảng 40 tấn rác.

UBND phường Bình Hưng Hòa cũng đã chỉ đạo lực lượng chức năng thu gom rác, quây tôn và cắm bảng cấm đổ rác, đồng thời yêu cầu các trưởng khu phố thường xuyên tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, chỉ có 2 trường hợp vi phạm bị xử phạt hành chính với tổng số tiền 3 triệu đồng vì hành vi vứt rác không đúng nơi quy định.

Trước tình trạng rác thải tồn đọng mãi không thể giải quyết dứt điểm, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị TP. HCM cho biết, xuất hiện các bãi rác tự phát và điểm tồn đọng rác thải trên địa bàn chủ yếu bắt nguồn từ ý thức giữ vệ sinh của người dân. Nhiều người chỉ chú trọng thu gom rác trong khuôn viên nhà ở của mình mà không ý thức được trách nhiệm dọn dẹp nơi công cộng.

Tại nhiều khu dân cư đông đúc, các chợ, công viên… rác thải bị vứt bừa bãi. Một số người thậm chí vứt rác xuống kênh rạch hoặc ra đường, gây ô nhiễm môi trường. Điều này cũng là nguyên nhân khiến cống thoát nước bị tắc nghẽn, dòng chảy của các kênh nội đô bị cản trở, gây ngập úng và tình trạng thoát nước chậm sau các cơn mưa lớn.

Ngoài ra, quá trình phân loại rác thải tại nguồn còn gặp nhiều khó khăn, trong khi một số đơn vị thu gom rác lại thiếu nhân lực và trang thiết bị, khiến họ chưa thể thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và phát huy hiệu quả công tác thu gom.