TP. HCM: Chuyên gia hiến kế khắc phục ùn tắc giao thông nghiêm trọng

PGS.TS Hồ Thanh Phong khuyến nghị cần nhanh chóng điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Thời gian đèn xanh hiện tại không đủ để giải phóng hết lượng xe. Đặc biệt, không nên để người điều phối giao thông điều chỉnh đèn tín hiệu bằng tay, vì họ chỉ có thể nhìn thấy tình hình giao thông tại một khu vực, thiếu thông tin về các khu vực khác.

Chật vật lưu thông trên đường

Hơn một tuần qua, Nguyễn Hữu Long (quận Bình Thạnh, TP. HCM) ám ảnh khi liên tục phải đối mặt cảnh vượt qua các điểm ùn tắc, thậm chí phải chờ đến ba lượt đèn giao thông mới có thể di chuyển. Anh cho biết, quãng đường từ nhà đến công ty chỉ khoảng 7km, nhưng anh phải mất đến cả giờ đồng hồ mới đến nơi.

Anh bảo, vẫn biết cuối năm là thời điểm lượng phương tiện tăng cao, nhưng anh chưa bao giờ chứng kiến tình trạng kẹt xe kéo dài như vậy.

un-tac-2-1736830806.jpg
Nhiều người dân tại TP. HCM ám ảnh về tình trạng tắc đường những ngày qua

Cuối tuần qua, khi đặt taxi công nghệ từ quận 4 sang quận 3 (TP. HCM), chị Phan Thị Lệ bất ngờ với mức giá cước hiển thị lên tới 80.000 đồng, gần gấp đôi so với bình thường từ 45.000 - 48.000 đồng. Thời gian chờ đợi tài xế cũng lâu hơn.

Thắc mắc hỏi tài xế, chị được giải thích, khu trung tâm bị kẹt xe nghiêm trọng, nên khi vào tới nội đô nhiều tài xế công nghệ tắt app để tiết kiệm nhiên liệu. Lượng khách đặt xe tăng nhưng số lượng xe giảm khiến giá cước tăng theo. Đường sá đông đúc khiến tài xế di chuyển chậm hơn, dẫn đến khách phải chờ lâu hơn.

Không chỉ dịch vụ gọi xe, nhiều khách hàng cũng phản ánh giá cước giao đồ ăn và vận chuyển hàng hóa trong những ngày qua đã tăng khá mạnh. Theo một số tính toán, đơn hàng giao đồ ăn với quãng đường 2,5km đã tăng khoảng 10% so với cách đây gần 2 tuần.

Anh Nguyễn Văn Tấn - tài xế của một hãng xe công nghệ cho hay, không chỉ do kẹt xe, mức phạt vi phạm giao thông hiện nay cũng tăng cao, khiến tài xế ngại nhận đơn hơn. Giờ chạy xe ngoài đường thật sự rất khổ, vừa kẹt xe, bụi bặm và luôn lo sợ bị phạt.

Chị Thu Giang (TP. Thủ Đức) cho rằng, sự lo ngại về mức phạt nặng đã khiến nhiều người cẩn trọng hơn khi lái xe dẫn đến tình trạng xe này "dồn" xe kia, làm cho tình hình ùn tắc càng trở nên tồi tệ. Thậm chí có những lúc, chị phải đợi đến lần đèn xanh thứ 5 mới có thể vượt qua giao lộ.

Ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. HCM cho biết, lưu lượng phương tiện giao thông tại thành phố những ngày đầu năm 2025 đã tăng so với cuối năm 2024. Cụ thể, khu vực trung tâm TP. HCM ghi nhận lưu lượng phương tiện tăng 11,4%, đồng thời số lượt ùn tắc cũng tăng 17%.

Mật độ giao thông cao cùng với các tuyến đường hẹp đã khiến các phương tiện phải dừng chờ tại các nút giao thông quá lâu, gây ra tình trạng ùn tắc lan rộng đến các khu vực lân cận.

Để giảm thiểu ùn tắc trong ngắn hạn, Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp với các lực lượng chức năng lắp đặt 131 bộ đèn tín hiệu cho phép xe gắn máy rẽ phải tại các trục đường chính như Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thị Minh Khai… Dự kiến, các giao lộ còn lại đủ điều kiện sẽ hoàn tất lắp đặt trước ngày 19/1. Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng sẽ tiếp tục điều chỉnh thời gian đèn tín hiệu, ưu tiên tăng thời gian đèn xanh tại những khu vực có lưu lượng giao thông cao.

Về giải pháp lâu dài, TP. HCM tiếp tục rà soát và điều chỉnh phân luồng giao thông tại các cửa ngõ, khu vực tổ chức lễ hội và các tuyến đường trọng điểm. Những bất cập về hạ tầng giao thông sẽ được khắc phục kịp thời để đảm bảo an toàn và sự thông suốt của giao thông. Đồng thời, lực lượng điều tiết giao thông sẽ được tăng cường tại các khu vực như nhà ga, bến xe, sân bay và các cửa ngõ của thành phố.

un-tac-1-1736830361.jpg
TP. HCM đã lắp đặt biển cho phép rẽ phải khi đèn đỏ (Ảnh: Ngọc Quý)

Không nên điều chỉnh đèn tín hiệu bằng tay

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Hồ Thanh Phong - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP. HCM đánh giá, Nghị định 168 thể hiện nỗ lực của Chính phủ nhằm tái lập trật tự an toàn giao thông - vốn là vấn đề bức xúc lâu nay. Những mặt tích cực đã thể hiện rõ là người dân chấp hành luật và quy định về giao thông triệt để hơn, trật tự giao thông tốt hơn nhiều.

Mặt khác, nghị định đặt ra nhiều quy tắc mới chặt và khó hơn quy tắc cũ, gia tăng thêm một số quy định nhằm siết chặt quản lý hơn, song lại áp dụng trong hoàn cảnh cơ sở hạ tầng cũ, nhân lực cũ và lượng phương tiện giao thông tăng cao. Đây là những yếu tố dẫn tới ùn tắc lan rộng.

Để giải quyết tình trạng ùn tắc, PGS.TS Hồ Thanh Phong đề xuất TP. HCM nên nhanh chóng cho phép phương tiện rẽ phải khi dừng đèn đỏ tại tất cả các giao lộ, thay vì chỉ thực hiện khảo sát tại các vị trí đặc thù.

Ông nhấn mạnh, xe gắn máy có thể rẽ phải ngay lập tức vì bán kính quay vòng và tốc độ của chúng phù hợp hơn với yêu cầu. Việc cho phép rẽ phải tại các giao lộ sẽ giúp giảm bớt số lượng phương tiện phải chờ đèn xanh, qua đó giải quyết ùn tắc một cách hiệu quả hơn. Nếu có 100 chiếc xe dừng đèn đỏ, cho phép rẽ phải thì khoảng 30 chiếc sẽ được giải phóng ngay lập tức. Điều này giúp giảm thiểu tình trạng ùn tắc và tạo ra chu kỳ giao thông hiệu quả hơn.

Ngoài ra, ông cũng khuyến nghị cần nhanh chóng điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Thời gian đèn xanh hiện tại không đủ để giải phóng hết lượng xe, do đó cần tăng thời gian đèn xanh và áp dụng công nghệ tính toán, đo đếm xe để điều chỉnh thời gian đèn tín hiệu sao cho phù hợp.

Đặc biệt, ông đề xuất không nên để người điều phối giao thông điều chỉnh đèn tín hiệu bằng tay, vì họ chỉ có thể nhìn thấy tình hình giao thông tại một khu vực, thiếu thông tin về các khu vực khác.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam (VLCAC) cũng cho rằng cần điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu và linh động cho phép phương tiện rẽ phải khi đèn đỏ tại các giao lộ an toàn. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời và cục bộ. Việc cấm xe rẽ phải khi dừng đèn đỏ hay cấm xe đi trên vỉa hè là các quy tắc an toàn giao thông được hầu hết các quốc gia phát triển áp dụng triệt để. Nhưng ở các đô thị như TP. HCM và Hà Nội, với hạ tầng giao thông còn hạn chế, việc người dân tuân thủ quy định có thể gây ra sự xáo trộn lớn.

Ông nhấn mạnh cần phải đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông, cải thiện hệ thống đường sá và phát triển nhanh chóng mạng lưới đường sắt đô thị và giao thông công cộng. Đồng thời, cần áp dụng biện pháp xử phạt nghiêm khắc với các vi phạm giao thông. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu các lỗi vi phạm mà còn tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước để tái đầu tư vào hạ tầng giao thông.

Ngày 13/1, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, lực lượng CSGT toàn quốc đang kiểm tra, rà soát tổng thể hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Từ đó có cơ sở kiến nghị thay thế, sửa chữa những cụm đèn hư hỏng, lỗi. Qua đó, đảm bảo lưu thông thuận lợi trên đường cho người dân.

Trong công điện mới đây, Thủ tướng cũng đã yêu cầu các đơn vị tổ chức giao thông hợp lý, khẩn trương khắc phục ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP. HCM.