TP. HCM: Đã có cách ngăn tình trạng “bỏ trộm” rác thải cồng kềnh

Rác cồng kềnh phải được vận chuyển từ nguồn thải đến điểm tập kết, trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt bằng phương tiện đáp ứng yêu cầu về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Trên nhiều tuyến đường ở TP. HCM có thể dễ dàng bắt gặp rác thải cồng kềnh như tủ, bàn ghế hư hỏng, nệm cũ... bị bỏ ra vỉa hè, thậm chí cả lòng đường. Ngoài ra, không ít rác cồng kềnh còn bị vứt bỏ xuống các tuyến kênh, rạch, gầm cầu. Những loại rác thải này thường được người dân bỏ trộm vào ban đêm.

Bà Nguyễn Thị Thanh bán hàng nước ở khu vực quận 3 (TP. HCM) cho biết, có lần hơn 11 giờ đêm, bà đang dọn hàng thì có một người đàn ông chở 1 tấm nệm cũ quăng bên vỉa hè rồi phóng xe chạy mất. Bà Thanh cũng không ít lần chứng kiến nhiều người vô ý thức quăng rác lớn xuống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

rac-thai-cong-kenh-2-1719750875.jpg
Nhiều người bỏ trộm rác thải cồng kềnh xuống các tuyến kênh, mương (Ảnh: Nguyễn Châu)

Một công nhân vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chia sẻ, mỗi lần gặp nệm cũ, ghế sofa… trôi lềnh bềnh trên kênh, nhóm của anh đều rất ngán ngẩm bởi trung bình mỗi tấm nệm ngấm nước nặng khoảng 200kg, đưa được lên bờ rất vất vả.

Chị Phương Nga là công nhân thu gom rác ở quận Tân Phú (TP. HCM). Chị Nga cho biết, thông thường gia đình nào muốn đổ bỏ rác cồng kềnh thì trả thêm chi phí cho công nhân thu gom. Nhưng nhiều trường hợp người thu gom rác vẫn phải đổ rác cồng kềnh "không công" do người vô ý thức vứt bỏ tại những gốc cây trên đoạn đường vắng.

Ông Nguyễn Văn Hên (quận 12, TP. HCM) cho biết, mấy hôm trước, vợ chồng ông bỏ 1 ghế sofa cũ. Ông đã nhờ người thu gom rác đem đi giúp và trả phí 200.000 đồng. Ông Hên bảo, chịu khó tốn thêm chút chi phí nhưng không làm ảnh hưởng đến mỹ quan, môi trường.

Nhằm kiểm soát rác thải cồng kềnh bị bỏ trộm trên đường, cũng là tạo thuận lợi cho người dân, mới đây, UBND TP. HCM đã ban hành quy định về việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải cồng kềnh trên địa bàn. Quy định này áp dụng với tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, đơn vị có liên quan đến hoạt động phân loại, xử lý rác thải cồng kềnh.

Theo đó, chủ nguồn thải, cá nhân, hộ gia đình có trách nhiệm tháo dỡ, thu gọn, giảm kích thước, thể tích chất thải bỏ đến mức có thể lưu chứa được trong phương tiện gom rác trước khi vận chuyển đến điểm tập kết, trạm trung chuyển rác sinh hoạt hoặc cơ sở xử lý.

Trường hợp không thể tự tháo dỡ, giảm kích thước tại nơi phát sinh chất thải thì phải thanh toán chi phí thực hiện dịch vụ này theo thỏa thuận cho đơn vị thu gom, vận chuyển. Rác thải cồng kềnh sau khi tháo dỡ phải phân loại thành các sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng để giảm thiểu tối đa việc phát thải ra môi trường và tận dụng triệt để giá trị nguồn tài nguyên từ chất thải.

rac-thai-cong-kenh-1-1719750875.jpg
Rác thải cồng kềnh bị vứt thẳng xuống lòng đường

Giá dịch vụ thu gom rác cồng kềnh từ nơi phát sinh đến điểm tập kết và trạm trung chuyển được thỏa thuận giữa hộ gia đình, cá nhân chủ nguồn thải và đơn vị thu gom hoặc đơn vị tái chế rác thải cồng kềnh.

UBND TP. HCM nghiêm cấm người dân tự ý đổ rác rắn cồng kềnh xuống kênh, rạch, ao, hồ, sông, suối, mương và các địa điểm khác không được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Hộ gia đình, cá nhân chủ nguồn thải có thể tự vận chuyển hoặc chuyển giao cho đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom tại nguồn để đưa rác cồng kềnh đến điểm tập kết hoặc trạm trung chuyển do UBND cấp huyện thiết lập.

Ngoài ra, rác cồng kềnh phải được vận chuyển từ nguồn thải đến điểm tập kết, trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt bằng phương tiện đáp ứng yêu cầu về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Thành phố còn yêu cầu UBND cấp huyện phải phối hợp với đơn vị trúng gói thầu thu gom vận chuyển rác sinh hoạt trên địa bàn để xác định, lựa chọn vị trí tập kết, trạm trung chuyển (nếu có), đồng thời thông tin rộng rãi đến chủ nguồn thải trên địa bàn. Việc thực hiện thu gom rác cồng kềnh tại các điểm tập kết và trạm trung chuyển do địa phương thiết lập được thực hiện với tần suất ít nhất 1 lần/tháng.