TP. HCM: Đặt phao chắn rác trên các tuyến kênh, rạch ngăn tái ô nhiễm

Trước tình trạng tái ô nhiễm tại các con kênh sau khi được dọn sạch, nhóm bạn trẻ Sài Gòn Xanh đã nghĩ ra cách dùng phao chắn để gom rác lại, cùng với đó tuyên truyền, vận động người dân chung tay giữ sạch các tuyến kênh của TP. HCM.

Câu lạc bộ Sài Gòn xanh hay “biệt đội Sài Gòn Xanh” là tên gọi của một nhóm các bạn trẻ yêu môi trường, thường xuyên dọn dẹp rác thải trên các kênh, mương bị ô nhiễm tại TP. HCM. Nửa năm nay, song song với việc thu gom, dọn dẹp, nhóm còn triển lắp phao chắn rác ở nhiều kênh, rạch.

Trong quá trình "giải cứu" các kênh rạch bị ô nhiễm, nhóm nhận thấy tình trạng tái ô nhiễm rác diễn ra rất nhiều nên đã nghĩ ra cách dùng phao chắn để gom rác lại. Hệ thống phao chắn không ảnh hưởng dòng chảy, có tác dụng giữ rác tại một điểm, thuận tiện cho việc dọn dẹp.

phao-chan-rac-2-1716278154.jpg
Phao chắn rác không ảnh hưởng dòng chảy, có tác dụng giữ rác tại một điểm, thuận tiện cho việc dọn dẹp (Ảnh: Sài Gòn Xanh)

Như vào ngày 19/5 vừa qua, nhóm đã tiến hành “giải cứu” 2 tuyến kênh thoát nước trên đường Tô Ngọc Vân (đoạn giao với đường Linh Đông) và đường số 20, phường Linh Đông (TP. Thủ Đức, TP. HCM). Hai tuyến kênh này đều là kênh thoát nước nhân tạo nên thường xuyên dồn ứ rác, với đủ loại từ thùng, hộp xốp, bao ni lông, rau quả thối khiến dòng nước đen ngòm, hôi thối nồng nặc, ô nhiễm trầm trọng.

Tại kênh thoát nước trên đường Tô Ngọc Vân, trước khi lắp phao, gần 30 bạn trẻ trong câu lạc bộ đã dọn rác, khơi thông dòng chảy. Sau đó, từng mảnh phao chắn rác được kết nối với nhau thành chuỗi trên vỉa hè, rồi mới thả xuống kênh. Một phao gồm hai thanh nhựa tròn gắn vào tấm kim loại. Tuỳ theo độ rộng của kênh mà số lượng dao động khoảng 5 - 30 phao chắn.

Sau gần một tiếng lắp ráp, chiếc phao dài khoảng 4m được thả xuống kênh. Chiếc phao chắn đặt tại đoạn rộng, gần cống ngầm. Một thành viên trong nhóm cho biết, đây là việc khó nhất vì phao cồng kềnh, thao tác trên nước khó hơn. Có những con kênh rộng và sâu, các thành viên phải mặc áo phao lội xuống mới lắp ráp được. Phao đươc cố định hai đầu bằng dây thép, siết ốc chặt. Những đoạn kênh không có sẵn chỗ buộc dây, nhóm phải đóng cọc sắt để cố định.

phao-chan-rac-3-1716278066.jpg
Phao chắn rác được thả xuống kênh (Ảnh: Ngọc Quý)

Cùng thời điểm, tại con rạch trên đường Linh Đông cách đó chừng 1km, một số thành viên khác trong nhóm tập trung thu gom rác. Chiếc phao chắn rác đã được lắp ở đây từ đầu năm nay. Anh Nguyễn Lương Ngọc (28 tuổi, trưởng nhóm) cho biết, phao chắn tại đây phát huy hiệu quả tốt, phần lớn rác được giữ lại. Định kỳ mỗi tháng một lần, nhóm lại đến các điểm lắp phao để dọn rác. Rác được thu gom và phân loại thành từng bịch lớn, rồi chở đến điểm tập kết để xử lý.

Anh Nguyễn Lương Ngọc cho biết thêm, trong hơn 18 tháng hoạt động, nhóm đã vớt được 2.400 tấn rác, lắp đặt 5 phao chắn rác trên các kênh rạch ở quận 12, Bình Thạnh và TP. Thủ Đức. Phao chắn rác tại đoạn kênh ngã ba Linh Đông - Tô Ngọc Vân chiếc thứ 6 được lắp đặt trên địa bàn thành phố. 

Phao chắn rác có quy mô lớn nhất từ trươc giờ của nhóm, đặt tại rạch Lăng, quận Bình Thạnh. Công trình thực hiện hai tháng trước, dài gần 45m với kinh phí khoảng 30 triệu đồng.

phao-chan-rac-4-1716278153.jpg
Phao chắn phát huy hiệu quả tốt khi phần lớn rác được giữ lại (Ảnh: Ngọc Quý)

Theo anh Ngọc, phao chắn được thiết kế theo từng đoạn ngắn được kết nối lại với nhau, mỗi đoạn khoảng 0,5m. Điều kiện để lắp đặt phao chắn rác thì các kênh nước phải được lưu thông, kênh không quá hẹp. Mỗi lần lắp đặt phao chắn rác, nhóm đều thông qua ý kiến địa phương, UBND phường. Còn mỗi lần dọn kênh, rạch thì cần từ 50-100 người.

Chi phí lắp đặt phao chắn rác rất cao, trung bình dao động từ 3 - 30 triệu đồng tùy độ rộng, sâu của kênh. Đa số chi phí lắp đặt đều từ quỹ câu lạc bộ và tiền thiện nguyện của các nhà hảo tâm. Hơn một năm qua, câu lạc bộ đã kêu gọi được hơn 1 tỷ đồng tiền thiện nguyện để thu gom rác và đặt phao chắn.

phao-chan-rac-1-1716278066.jpg
Mỗi tháng, câu lạc bộ Sài Gòn Xanh lại tới các điểm lắp phao để dọn rác (Ảnh: vnexpress)

Anh Ngọc chia sẻ, mục tiêu đến hết năm 2024, Câu lạc bộ Sài Gòn Xanh sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng, cơ quan địa phương tiến hành lắp đặt phao chắn rác trên 100 tuyến kênh, rạch tại TP. HCM. Sau khi lắp đặt phao, câu lạc bộ vẫn sẽ thường xuyên ra quân thu gom rác mỗi tháng một lần.