Sở Giao thông Vận tải TP. HCM cho biết, hiện thành phố đang có hơn 12.750 xe điện đã đăng ký. Con số này còn đang tăng nhanh khi số người mua xe máy điện, ô tô điện ngày càng nhiều. Song song với đó, thành phố cũng đang thực hiện chủ trương phát triển mạng lưới xe buýt điện nhằm tăng sức chuyên chở hành khách công cộng và góp phần bảo vệ môi trường.
Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng xe điện, năng lượng xanh với các lĩnh vực thuộc ngành giao thông vận tải. Đến năm 2050, thành phố sẽ thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh, hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về 0.
Tuy nhiên, hiện nay thành phố chưa có hệ thống trạm sạc và quy chuẩn cần thiết cho trạm sạc điện. Do đó, Sở Giao thông Vận tải xác định, việc phát triển hệ thống trạm sạc công cộng là cần tính ngay từ lúc này, theo định hướng huy động nguồn lực xã hội với sự quản lý và quy chuẩn của cơ quan chức năng.
Trương Xuân Trung là tài xế xe máy điện. Anh Trung cho biết, anh thường sạc xe máy điện vào đầu giờ chiều để chạy tối và đêm. Nếu sạc tại trụ của hãng, xe chỉ mất hơn nửa tiếng là đầy pin, còn sạc bên ngoài từ nguồn điện dân dụng sẽ mất hơn 2 tiếng. Nhưng trạm của hãng chỉ có ở một số nơi.
Địa điểm “sạc bên ngoài” mà anh Trung hay lui tới là quán cà phê nơi góc đường số 9 ở quận Gò Vấp. Quán có nhiều ổ cắm để làm dịch vụ sạc điện với giá từ 50.000 - 80.000 đồng/lần sạc. Chủ quán cho biết, tài xế đến khá đông và thường xuyên nên việc kinh doanh tốt. Khi được hỏi về quy chuẩn hệ thống điện sạc xe máy, chủ quán cho hay, hệ thống sạc được tự tạo với dây điện lớn hơn, ổ cắm tốt hơn chứ chưa biết quy định nào yêu cầu chi tiết việc này. Từ khi triển khai dịch vụ sạc xe điện, quán chưa xảy ra vụ việc cháy nổ nào.
Hiện nay, các hãng chuyên cung cấp xe điện cũng đang tìm cách mở rộng hệ thống trạm đổi pin điện cho xe máy. Theo đó, mỗi trạm đổi pin chỉ là một tủ cao 1,8m và rộng gần 1,5m để trên hè phố. Trạm sạc sẵn những cục pin rời dành cho xe điện. Khi xe sắp hết pin, tài xế chỉ cần mở ứng dụng tìm trạm đổi gần nhất, đến đó dùng mã QR để mở ngăn sạc pin. Tài xế lấy cục pin mới lắp vào xe, rồi đặt cục pin cũ vào ổ sạc. Thời gian đổi pin của xe diễn ra chỉ trong vài phút.
Với ô tô điện thì phức tạp hơn bởi yêu cầu kỹ thuật cao hơn. Giải pháp được hướng tới là những xe taxi và xe buýt điện tập trung chủ yếu về các trạm sạc của hãng bố trí tại một số trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng hoặc chung cư do hãng quản lý, liên kết. Những nơi này mới đủ chỗ đỗ cho xe ô tô trong thời gian sạc từ 1 đến 4 tiếng.
Hiện nay, một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng đã triển khai đặt trạm sạc xe điện tại một số cửa hàng bán lẻ. Tuy nhiên, do không phải cây xăng nào cũng đủ diện tích cùng khoảng không cách ly an toàn giữa nơi bán xăng và nơi sạc xe điện nên việc phát triển trụ sạc công cộng chưa rộng khắp.
Từ góc độ khác, trưởng ban quản trị một chung cư trên địa bàn phường 4 (quận 8, TP. HCM) chia sẻ, do chưa có quy chuẩn rõ ràng nên nhiều cư dân không đồng ý triển khai trạm sạc xe điện dưới hầm chung cư vì lo nguy cơ cháy nổ.
Ông Bùi Hòa An - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. HCM cho biết, thành phố hiện có khoảng 400 trạm sạc nhưng cần phát triển nhiều hơn nữa. Việc trước mắt là lập quy hoạch phát triển trạm sạc, ban hành các tiêu chí, quy chuẩn kỹ thuật thống nhất để triển khai. Ngành Giao thông dự kiến phát triển trạm sạc cho xe buýt điện trước, sau đó triển khai nhanh trên diện rộng trạm sạc cho các loại xe điện khác.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng Công ty Điện lực TP. HCM (EVNHCMC) thông tin, đơn vị đã chủ động làm việc với các bên liên quan để sẵn sàng phát triển hệ thống trạm sạc điện công cộng. Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Tổng giám đốc EVNHCMC, phát triển xe điện và hệ sinh thái liên quan sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải của thành phố. EVNHCMC phấn đấu sớm tăng số trạm sạc trên địa bàn lên con số 1.000 trong thời gian tới.