TP. HCM: Không để người bệnh phải tự mua thuốc, vật tư thuộc diện bảo hiểm y tế chi trả

Trong công văn vừa gửi đi ngày 25/4, TP. HCM yêu cầu Sở Y tế cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, không để người bệnh phải tự mua.

Ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TP. HCM vừa ký công văn gửi Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội thành phố cùng các cơ sở khám chữa bệnh về việc tăng cường kiểm soát, quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn thành phố năm 2024.

kham-benh-bhyt-1714088889.jpg
TP. HCM yêu cầu tăng cường kiểm soát, quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Theo UBND TP. HCM, số chi khám, chữa bệnh tại TP. HCM vẫn ở mức cao so với dự toán được Thủ tướng giao. Thực tế năm 2023, số lượt khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, tại 187 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT phát sinh 20,59 triệu lượt khám, chữa bệnh BHYT, tăng 18,76% so với cùng kỳ năm trước. Chi khám, chữa bệnh BHYT là 22.723 tỉ đồng, tăng 14,15% so với năm trước.

Đáng chú ý, số lượt người ngoại tỉnh đến thành phố khám chữa bệnh BHYT chỉ bằng 1/3 số người ở TP. HCM. Tuy nhiên, chi phí khám chữa bệnh BHYT cho nhóm bệnh nhân ngoại tỉnh còn cao hơn nhóm bệnh nhân là người thành phố.

Theo đó, chi khám chữa bệnh cho 16,06 triệu lượt người thành phố là 11.047 tỷ đồng, tăng 14,05% so với năm 2022. Trong khi, chi khám chữa bệnh cho 4,53 triệu lượt người ngoại tỉnh là 11.676 tỷ đồng, tăng 14,25% so với năm 2022.

kham-benh-bhyt-1-1714088889.jpg
Số người ngoại tỉnh đến TP. HCM khám chữa bệnh diện BHYT là hơn 4,5 triệu lượt

Nội dung công văn mới yêu cầu các cơ quan, đơn vị của thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả chi phí khám, chữa bệnh BHYT năm 2024. Việc này là để bảo đảm cân đối dự toán chi khám, chữa bệnh BHYT được Thủ tướng giao trong năm 2024, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia cũng như nâng chất lượng khám, chữa bệnh BHYT.

Các cơ sở khám, chữa bệnh cần tăng cường công tác tự kiểm tra phòng, chống hành vi gian lận, trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thực hiện nghiêm túc các quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị do Bộ Y tế ban hành; tự kiểm tra, chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

Ngoài ra, cần thực hiện chuẩn hóa, cập nhật kịp thời, đầy đủ thông tin về khám, chữa bệnh BHYT. Dữ liệu chi phí khám, chữa bệnh cũng phải được chuyển lên hệ thống thông tin giám định BHYT ngay sau khi kết thúc đợt điều trị theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Công văn của thành phố còn yêu cầu Sở Y tế cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, không để người bệnh phải tự mua. Đồng thời siết chặt quản lý các chi phí, đảm bảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chỉ định xét nghiệm, điều trị nội trú và sử dụng dịch vụ; thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho các đối tượng BHYT theo đúng quy định.

Công tác lập hồ sơ bệnh án, kê đơn, cấp thuốc BHYT thực hiện theo đúng quy định, không để xảy ra tình trạng lập hồ sơ bệnh án khống, kê đơn khống, cấp thuốc không đầy đủ cho người bệnh để chiếm dụng thuốc, tiền của quỹ BHYT.

Về việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, phải đảm bảo nguyên tắc đúng người bệnh, phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Tuyệt đối không lập hồ sơ khống và cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho người không đủ điều kiện...