Tại bất kỳ đền, chùa, miếu nào, chúng ta cũng có thể dễ dàng thấy các hòm công đức. Thậm chí, tại nhiều ngôi chùa lớn, hòm công đức còn xuất hiện với tần xuất khá dày. Tiền công đức thường là tiền mặt, nên việc quản lý luôn gặp nhiều khi khăn. Tính minh bạch, rõ ràng trong quản lý, sử dụng tiền công đức luôn được người dân quan tâm.
Thế nên, cuối tháng 10/2023, Bộ Tài chính đã có Công văn số 11752/BTC-HCSN hướng dẫn UBND cấp tỉnh, thành phố ban hành quyết định kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn cấp tỉnh. Đối tượng kiểm tra trong văn bản hướng dẫn là các di tích lịch sử - văn hóa đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp bằng xếp hạng di tích hoặc đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Để đưa ra văn bản hướng dẫn thực hiện này, Bộ Tài chính đã thí điểm kiểm tra quản lý, sử dụng tiền công đức tại tỉnh Quảng Ninh vào năm 2023.
Mới đây, TP. HCM cũng đã ban hành kế hoạch kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ năm 2023 tại các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Nội dung kiểm tra bao gồm việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội năm 2023. Ngoài ra, cơ quan quản lý còn xem xét việc mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép số thu - chi tiền công đức, tài trợ tại các di tích.
Thành phố giao Sở Tài chính chủ trì và phối hợp các ngành liên quan thực hiện, hoàn thành trước ngày 31/3 để báo cáo về Bộ Tài chính. Thành phố cũng giao UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức kiểm tra các hoạt động liên quan đến tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử, văn hóa.
Nhà nước hiện không quản lý tiền công đức, tài trợ của tổ chức tôn giáo. Chủ sở hữu hoặc bên được giao quản lý di tích tự quyết định và chịu trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, sử dụng số tiền này.