TP. HCM: Kiến nghị di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân tại bán đảo Thanh Đa

Trước tình trạng sụp lún bờ kè nghiêm trọng tại bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh đã đề xuất với UBND TP. HCM di dời khẩn cấp 32 hộ dân để an toàn khi mùa mưa sắp đến.

UBND quận Bình Thạnh và Sở Giao thông vận tải TP. HCM vừa có báo cáo gửi UBND TP. HCM về việc bờ kè Thanh Đa tiếp tục bị sụt lún, đề nghị di dời khẩn cấp 32 hộ dân trước mùa mưa bão sắp đến.

Các hộ thuộc diện cần di dời này nằm gần đoạn kè bị sụp lún hồi tháng 6 năm ngoái. Biện pháp cấp bách này là cần thiết trong lúc chờ hoàn tất thủ tục triển khai công trình xây lại bờ kè kiên cố ở khu vực này.

sut-lun-3-1713866525.jpg
Lực lượng chức năng cảnh báo nguy hiểm

Trước đó, vào cuối tháng 6/2023, tuyến kè Thanh Đa (phường 25, quận Bình Thạnh) bị sụp lún với chiều dài khoảng 120m và chiều rộng từ đỉnh kè đá hiện hữu vào trong bờ khoảng 10m. Sự cố này đã ảnh hưởng đến 15 hộ dân sống gần đó. Địa phương đã phải sơ tán các hộ dân này ra khỏi nơi nguy hiểm.

Vào đầu tháng 4 năm nay, dọc tuyến kè kênh Thanh Đa - đoạn 1.1 (tại vị trí sụt lún) tiếp tục xuất hiện các vết nứt 10cm - 20cm. Các vết nứt này gây mất ổn định tuyến kè. Những ngôi nhà mà người dân rời đi trước đó tiếp tục có dấu hiệu nghiêng về phía kênh, sụt lún nặng hơn và có nguy cơ sụp đổ.

Những căn nhà liền kề khu vực bị ảnh hưởng cũng có dấu hiệu sụp lún, nứt tường, nguy cơ cao sạt lở về phía sông nếu gặp mưa lớn. Mùa mưa bão đang đến gần, nếu gặp thời tiết bất lợi, mưa lớn kéo dài kết hợp với triều cường thì những ngôi nhà này có thể sạt lở bất cứ lúc nào.

sut-lun-2-1713866624.jpg
Những ngôi nhà bị nghiêng về phía sông, có thể sụt lún bất cứ lúc nào

Trước tình trạng này, Sở Giao thông vận tải TP. HCM và UBND quận Bình Thạnh mới đưa ra đề xuất di dời khẩn cấp 32 hộ dân tại đây. Ngoài ra, chính quyền quận Bình Thạnh tiếp tục cắt cử lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm tra, nhắc nhở người dân và kịp thời xử lý sự cố xảy ra.

Cùng với phương án di dời, quận Bình Thạnh sẽ thống kê quy mô, diện tích đất, kết cấu công trình... để bồi thường cho các hộ khi dự án triển khai. Chính quyền địa phương cũng đã kiến nghị hỗ trợ kinh phí giúp người dân trong phạm vi bị ảnh hưởng được ổn định cuộc sống trong lúc chờ có nơi ở mới, hoặc đến khi được duyệt phương án bồi thường.

sut-lun-1713866526.jpg
Một ngôi nhà bị ảnh hưởng từ kè Thanh Đa sụt lún
sut-lun-1-1713866525.jpg
Sụt lún ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhà dân

Khu vực kè bị sụt lún ở Thanh Đa ký hiệu là đoạn 1.1, đã được đầu tư và đưa vào sử dụng từ năm 2008. Công trình đã xuống cấp sau một thời gian dài khai thác, kèm theo nhà dân xây gần đỉnh kè (cách 3,5m thay vì 10m) làm tăng tải trọng từ đó dẫn đến sụt lún.

Trong kế hoạch khắc phục, thành phố sẽ xây lại kiên cố đoạn bờ kè này với chiều dài 478m, đồng thời bổ sung hệ thống thoát nước, công viên cây xanh... Phạm vi giải phóng mặt bằng là 10m tính từ đỉnh kè vào bên trong. Sau đó, một tuyến đường chạy dọc bờ kè này cũng sẽ được xây dựng. Tổng kinh phí dự kiến gần 90 tỷ đồng, chưa tính phí giải phóng mặt bằng.

Ngoài khu vực trên, bán đảo Thanh Đa còn nhiều đoạn khác được triển khai các dự án xây kè chống sạt lở từ cách đây 8-9 năm. Tuy nhiên, đến nay các dự án vẫn dang dở, một số đoạn đã dừng thi công từ lâu.

Bán đảo Thanh Đa rộng khoảng 427ha, cách trung tâm TP. HCM gần 5km. Nơi đây được bao quanh bởi kênh Thanh Đa và sông Sài Gòn. Con đường duy nhất nối Thanh Đa với vùng khác là thông qua cầu Kinh Thanh Đa, trên trục đường Bình Quới - Xô Viết Nghệ Tĩnh.