TP. HCM: Người dân chật vật trong nắng nóng bất thường giữa mùa mưa

Anh Phạm Tuấn Trường chia sẻ, trước đây dù ban ngày nắng bao nhiêu thì tầm 5 giờ chiều trời đều mát dịu. Nhưng thời gian gần đây, cái nóng kéo dài tới tận buổi tối. Đợt này, nóng còn tới tận đêm khuya, ngồi trong nhà cũng đổ mồ hôi.

Chật vật trong nắng nóng gay gắt

Dù đang giữa mùa mưa, nhưng chỉ trong 20 ngày của tháng 8, khu vực Nam bộ và Tây nguyên đã có đến 12 lần nhiệt độ vượt ngưỡng trị lịch sử. Tại TP. HCM, người dân cảm nhận rõ không khí oi bức, ngột ngạt.

Bà Nguyễn Thị Mùi bán nước giải khát tại quận 3 (TP. HCM) cho biết, thời gian này nắng nóng không kém gì giai đoạn sau Tết khiến việc buôn bán của bà rất cực. Trời nắng nóng gay gắt, khiến nhiều người dễ đổ mồ hôi nên ngại ra đường, ít lê la hàng quán, thành ra bán buôn ế ẩm. Bà chỉ ngồi yên một chỗ cũng đã ra mồ hôi. Thời tiết bây giờ ngày càng nóng.

nang-nong-1-1724647459.jpg
Người dân TP. HCM chịu đựng nắng nóng gay gắt ngay giữa mùa mưa

Còn chị Trần Minh Trang (quận 5, TP. HCM) chia sẻ, chị có thói quen dậy sớm để tập thể dục nhiều năm nay. Hiện nay, thành phố đang trong thời điểm giữa mùa mưa mà vừa bước chân ra khỏi phòng máy lạnh lúc sáng sớm đã cảm nhận được không khí oi bức. Chị mới chỉ vung tay khởi động vài cái, mồ hôi đã nhễ nhại. Vào mùa mưa đã lâu mà tiền điện nhà chị giảm không bao nhiêu so với lúc nắng nóng kỷ lục hồi tháng 4 - 5 vì vẫn bật máy lạnh suốt mới chịu được.

Chị Trang bảo, mấy ngày gần đây trời ít nắng hơn do mây đen xuất hiện thường xuyên. Có hôm gió nổi lên rồi, tưởng sắp mưa rào đến nơi thì lại mất hút. Hay có mưa thì chỉ rào một cái rồi tạnh luôn làm không khí càng thêm ngột ngạt. Mùa mưa mà ít mưa quá.

Trong khi đó, anh Phạm Tuấn Trường (quận 8) là người gốc Bắc vào TP. HCM làm việc đã 10 năm. Anh chia sẻ, trước đây dù ban ngày nắng bao nhiêu thì tầm 5 giờ chiều trời đều mát dịu. Nhưng vài năm gần đây, cái nóng kéo dài tới tận buổi tối. Đợt này, nóng còn tới tận đêm khuya, ngồi trong nhà cũng đổ mồ hôi. Anh bảo, thời tiết TP. HCM thay đổi rất nhiều so với thời anh mới vào đây.

Chuyên gia lý giải hiện tượng thời tiết bất thường

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, tại TP. HCM, tháng 8/2023 ghi nhận mức lịch sử nhiệt độ là 35,5 độ C thì đến ngày 15/8 năm nay đã bị xô đổ với mốc mới là 35,8 độ C.

nang-nong-2-1724647606.jpeg
Ngày 15/8/2024 ghi nhận mức nhiệt độ lịch sử trong mùa mưa là 35,8 độ C

Lý giải hiện tượng nắng nóng gay gắt này, Th.S Lê Đình Quyết - Trưởng phòng Dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho hay, nguyên nhân chính là do chịu tác động của vùng áp thấp nóng phía Tây phát triển và mở rộng về phía Đông Nam gây ra. Cùng với đó, trên cao có áp cao cận nhiệt đới lấn Tây.

Hai hình thái thời tiết này tạo ra hiện tượng nắng nóng cho nhiều vùng ở nước ta, trong đó có khu vực Nam Bộ. Ngoài ra, gió mùa Tây Nam hoạt động ở Nam Bộ với cường độ yếu hoặc trung bình nên mưa ít và nắng nóng tăng.

Trong khi đó, PGS.TS Lê Anh Tuấn - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) lý giải, từ đầu mùa mưa đến nay, Nam Bộ có những trận mưa rất lớn nhưng không đồng đều giữa các khu vực. Về nguyên lý chung thì có thể giải thích do tác động kéo dài của hiện tượng El Nino hay sự ấm lên toàn cầu của trái đất.

Tuy nhiên, cũng phải có nghiên cứu thật sự khoa học và bài bản trước khi đưa ra kết luận vì ngoài những nguyên nhân từ tự nhiên cũng có những tác động đáng kể từ các hoạt động kinh tế - xã hội của con người.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, tháng 7/2024 là tháng thứ 14 liên tiếp nhiệt độ toàn cầu đạt mức cao kỷ lục, phá vỡ chuỗi kỷ lục cũ kéo dài từ tháng 5/2015 - 5/2016. Tháng 7 cũng ghi nhận nhiệt độ trung bình ngày toàn cầu cao nhất lịch sử và có hơn 10 địa điểm ở nhiều quốc gia khác nhau ghi nhận nhiệt độ trên 50 độ C.

Ấm lên toàn cầu là xu hướng không thể đảo ngược và đang gia tăng nhanh chóng, nó không chỉ xảy ra đối với bầu khí quyển và cả bề mặt các đại dương. Hệ quả là ngày càng xuất hiện nhiều hơn các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Riêng TP. HCM, do tốc độ đô thị hóa nhanh, lượng bê tông hóa nhiều tạo thành nơi hấp thu và lưu trữ nhiệt lượng khiến thời gian nóng kéo dài cả ngày lẫn đêm. Bên cạnh đó, những phương tiện giao thông, cơ sở sản xuất… cũng bổ sung vào nhiệt lượng chung. Ngược lại, cây xanh và hồ nước lại ít đi khiến các biện pháp giải nhiệt tự nhiên bị hạn chế.

Đó là những nguyên nhân tổng hợp khiến đa phần người dân TP. HCM cảm thấy luôn trong tình trạng nóng bức hay khi vừa dứt hạt mưa đã nóng trở lại. Để giải quyết vấn đề này cần có một bài toán tổng thể từ quy hoạch đô thị đến hạ tầng giao thông, cơ sở sản xuất.