Chị Nguyễn Thị Hạnh (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP. HCM) ngày nào cũng đi cầu Rạch Tôm. Cây cầu sắt này được xây dựng trước năm 1975, nay đã xuống cấp, có thể sập bất cứ lúc nào. Chị Hạnh chia sẻ, bề mặt cầu trơn, mỗi lần đi qua chị đều sợ. Nếu thấy xe tải chạy trên cầu, chị sẽ chờ tới khi xe đi qua cầu rồi mới dám đi.
Chị Hạnh bảo, cầu đã xuống cấp rất nghiêm trọng nhưng mật độ phương tiện qua đây hàng ngày vẫn cao, thậm chí có cả xe tải lớn. Mỗi lần xe chạy lên cầu là mỗi lần cầu rung lắc mạnh, phát ra những tiếng kêu lớn do các tấm sắt va vào nhau.
Trong khi đó, bà Trần Thị Liên sống gần cây cầu này cho hay, bà đi lại hàng ngày nên đã quen, cũng không thấy sợ. Nhưng không ít lần, bà bắt gặp hình ảnh nhiều người sợ hãi không dám đi qua cầu.
Trên con đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), ngoài cầu Rạch Tôm thì Rạch Dơi cũng xuống cấp nghiêm trọng. Cầu Rạch Dơi nối huyện Nhà Bè với huyện Long Hòa (Long An). Nhiều chân cầu bằng trụ sắt đã bị gỉ sét, thậm chí nhiều chỗ còn thủng lỗ chỗ. Cầu yếu là thế, nhưng lượng xe lưu thông qua cầu vẫn cao, gồm cả xe tải chở hàng. Phía dưới cầu, ghe, tàu chở hàng hóa liên tục chui qua. Nguy hiểm hơn, nhiều loại sà lan cỡ lớn chở đầy cát cũng luồn lách chui qua cầu.
Hai cây cầu trên là điển hình cho rất nhiều cây cầu được xây dựng từ trước năm 1975, đang xuống cấp nghiêm trọng ở TP. HCM. Những câu cầy này tiềm ẩn nghiêm hiểm cho người và phương tiện lưu thông qua.
Tính đến hết năm 2023, TP. HCM có 223 cây cầu đang được sử dụng phục vụ người dân. Sau sự cố sập cầu Phong Châu, nhằm tránh xảy ra sự cố gây thiệt hại về người, tài sản tương tượng trên địa bàn, Sở Giao thông Vận tải TP. HCM đã đề nghị UBND quận, huyện và TP. Thủ Đức cùng các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn khai thác cầu, hầm đường bộ và cầu giao thông nông thôn trên địa bàn TP trong mùa mưa bão.
Đặc biệt, lãnh đạo ngành giao thông yêu cầu các đơn vị chú ý những cầu giao thông nông thôn, cầu treo dân sinh đã hư hỏng lâu ngày nhưng chưa sửa chữa, bảo trì; các cầu sắt cũ, lâu năm như cầu Tân Thuận 1, cầu Sài Gòn, cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Phước 1, cầu Vàm Sát (cũ)…
Không phải tới khi xảy ra vụ sập cầu Phong Châu, người dân TP. HCM mới lo lắng về chất lượng, sự an toàn của các cây cầu. Bởi thành phố cũng từng xảy ra vụ việc tương tự. Gần đây nhất, ngày 9/9/2023, cầu Lò Đường (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) bắc qua kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, đã bất ngờ sập giữa đêm.
Thời điểm này, có 2 xe máy vừa kịp chạy tới đầu cầu, may mắn thoát nạn trong gang tấc. Dù không có thiệt hại về người, nhưng cầu sập cũng khiến những người thường xuyên di chuyển qua khu vực này bất an.
Cây cầu dân sinh Lò Đường được xây dựng từ 30 năm trước, có kết cấu bê tông, lan can sắt. Hàng ngày, lượng người lưu thông qua cầu rất đông. Nguyên nhân sập cầu Lò Đường là do mưa lớn, nước kênh dâng cao, chảy xiết, một số cây xanh lớn bị gãy đổ trôi theo dòng nước va đập vào cầu.
Trước đó, đêm 19/1/2018, cầu Long Kiểng cũ (huyện Nhà Bè) cũng bất ngờ bị sập. Thời điểm này, một chiếc xe ben chở đá đang chạy qua thì cây cầu sập khiến chiếc xe rơi xuống sông, nhiều xe máy đi sau cũng rơi theo. May mắn, vụ sập cầu này không có thiệt hại về người. Đến tháng 9/2023, cầu Long Kiểng mới được hoàn thành sau 22 năm mỏi mòn chờ đợi của người dân huyện Nhà Bè.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, các chuyên gia nhận định, bên cạnh tăng cường rà soát, kiểm tra hệ thống cầu, hầm đường bộ, TP. HCM cũng cần tăng tốc triển khai đúng tiến độ các dự án xây dựng cầu đường để đảm bảo chất lượng tuyệt đối cho các công trình phục vụ dân sinh, tránh xảy ra tai nạn tang thương.