TP. HCM: Nhân rộng “Điểm dừng chân” cho người chạy xe ôm

Mô hình “Điểm dừng chân” được thành lập để hỗ trợ, chăm lo cho các đoàn viên nghiệp đoàn xe ôm, xe công nghệ. Tại đây, các tài xế được nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe, tiếp tục công việc và còn được bảo dưỡng phương tiện.

Trong cái nắng gắt tại TP. HCM, chị Diệp Tú Trang (42 tuổi, quê Tiền Giang) tăng tốc độ xe chạy đến số 44 đường Liên khu 16-18, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP. HCM. Đây là “Điểm dừng chân” mà Trung tâm Công tác xã hội Liên đoàn Lao động TP. HCM phối hợp Liên đoàn Lao động quận Bình Tân ra mắt cho đoàn viên nghiệp đoàn xe ôm, xe công nghệ quận Bình Tân vào cuối tháng 4 vừa qua. 

Nhiều tài xế xe ôm chọn địa chỉ này làm nơi dừng nghỉ tạm sau những cuốc chở khách. Tại đây, trà đá được phục vụ miễn phí. Tài xế muốn uống hay lấy mang đi bao nhiêu tùy thích.

diem-dung-chan-1715920527.jpg
"Điểm dừng chân" của các tài xế công nghệ ở quận Bình Tân (Ảnh: VOV)

Chị Diệp Tú Trang cho biết, chị làm xe ôm công nghệ từ năm 2017. Hoàn cảnh khó khăn, lại làm mẹ đơn thân nên chị phải để con ở quê với ông bà, còn một mình lên TP. HCM bươn chải kiếm tiền. Mỗi ngày, chị đều cố gắng tiết kiệm tối đa chi tiêu. Sau khi tham gia nghiệp đoàn xe ôm công nghệ, chị thường xuyên ghé nghỉ ngơi tại “Điểm dừng chân” này.

Chị Trang chia sẻ, mọi người tới đây nghỉ ngơi, uống trà đá, có phòng vệ sinh đầy đủ, có mạng Internet. Trước khi ra mắt “Điểm dừng chân”, anh em tài xế công nghệ đã biết chỗ này rồi, lúc đó chưa có tên gọi. Giờ tham gia nghiệp đoàn thì có đầy đủ chính sách cho tài xế, những anh em có hoàn cảnh khó khăn cũng được quan tâm, chăm lo hơn.

Anh Huỳnh Hữu Thảo (49 tuổi) cho hay, anh chạy Grab đã nhiều năm. Khi tới nghỉ ngơi ở “Điểm dừng chân”, mọi người rất thoải mái, cứ như nhà mình vậy. Anh em đi làm rồi về ngồi với nhau, chia sẻ những câu chuyện gặp phải khi chở khách. Phía Công đoàn lâu lâu cũng tập hợp, tặng quà cho anh em tài xế. Anh Thảo bảo, tham gia nghiệp đoàn nhiều lợi ích lắm, hỗ trợ cho tài xế cả về tinh thần và sức khỏe.

“Điểm dừng chân” trên là quán cà phê của anh Lê Tấn Lưu - Chủ tịch Nghiệp đoàn xe ôm, xe công nghệ quận Bình Tân. Anh Lưu cho biết, khi Trung tâm Công tác xã hội Liên đoàn Lao động TP. HCM và quận Bình Tân có ý tưởng chuyển quán thành “Điểm dừng chân”, anh Lưu rất sẵn lòng. Anh mong muốn các tài xế vừa có thêm chỗ che nắng, che mưa, vừa được tiếp cận những chính sách ưu đãi từ tổ chức công đoàn.

diem-dung-chan-1-1715920527.jpg
Tại "Điểm dừng chân", nước uống, trà đá được phục vụ miễn phí (Ảnh: NLĐ)

Anh Lê Tấn Lưu chia sẻ, tài xế công nghệ khó tiếp cận với các chính sách của Nhà nước dành cho người nghèo. Nhờ “Điểm dừng chân” này, anh em nghiệp đoàn được tiếp cận vay vốn lãi suất thấp, chuyển đổi phương tiện với lãi suất thấp, chạy xe an toàn hơn. Liên đoàn Lao động TP.HCM, Liên đoàn Lao động quận Bình Tân tìm kiếm các sản phẩm hữu dụng hơn cho anh em.

Theo đó, tại “Điểm dừng chân” này, tài xế xe ôm được vay tiền từ Tổ chức tài chính vi mô CEP, được thay nhớt và phụ tùng xe máy với giá giảm khoảng 30 - 35%/sản phẩm.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Bình Tân cho hay, “Điểm dừng chân” cũng được chọn làm kênh kết nối để nắm bắt thông tin, có phương án hỗ trợ, động viên những lái xe có hoàn cảnh khó khăn, gặp tai nạn trong quá trình hành nghề. Từ “Điểm dừng chân” này, nhiều tài xế xe ôm công nghệ đã gia nhập tổ chức công đoàn, để được hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, định kỳ hàng quý, Liên đoàn Lao động quận phối hợp với công an quận tổ chức tuyên truyền về an ninh trật tự, an toàn giao thông, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, Liên đoàn còn vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn.

Trong tháng 5 này, Trung tâm Công tác xã hội Liên đoàn Lao động TP. HCM sẽ tiếp tục cùng Liên đoàn lao động quận Bình Tân ra mắt thêm một “Điểm dừng chân” khác ở khu công nghiệp Tân Tạo, phường Tân Tạo A.

Hiện tại, Liên đoàn Lao động TP. HCM đang khuyến khích Liên đoàn Lao động TP. Thủ Đức và các quận, huyện khác nghiên cứu, giới thiệu những địa điểm phù hợp để nhân rộng mô hình này. Trong đó, ưu tiên chọn địa bàn có nhiều lái xe ôm, xe công nghệ đang hoạt động.

Mục tiêu trong năm 2024 là hình thành được ít nhất một điểm dừng chân tại mỗi quận, huyện để hỗ trợ các đoàn viên nghiệp đoàn, đảm bảo những điều kiện nghỉ ngơi tối thiểu cho họ.